Thứ Sáu, 6 tháng 1, 2012

THĂM MỘT CHIẾN SĨ QUỐC TẾ CỘNG SẢN – NGUYỄN ÁI QUỐC


THĂM MỘT CHIẾN SĨ QUỐC TẾ CỘNG SẢN –
NGUYỄN ÁI QUỐC


O. MANĐENXTAM

Tại Đông Dương, ảnh hưởng phong trào Găngđi như thế nào? Tiếng vang, làn sóng của phong trào đó có lan đến đấy chút nào không ? – Tôi hỏi Nguyễn Ái Quốc.

- Không. – Nguyễn Ái Quốc trả lời – Nhân dân An Nam chúng tôi là những người nông dân bị nhấn chìm trong bóng đêm hết sức tối tăm. Không một tờ báo nào, không ai hiểu bây giờ trên thế giới đương diễn ra những gì; đêm tối, thực sự là đêm tối.
Nguyễn Ái Quốc hiện là người An Nam duy nhất ở Mátxcơva, đại diện của chủng tộc Mã Lai cổ xưa. Đó là một thanh niên gầy gò, linh hoạt, mặc cái áo len đan. Đồng chí nói tiếng Pháp – tiếng của những kẻ áp bức, nhưng mà những chữ Pháp từ miệng đồng chí Nguyễn Ái Quốc nghe trầm trầm, lắng xuống như hồi âm của tiếng mẹ đẻ quê hương đồng chí.
Nguyễn Ái Quốc đã nói đến hai chữ “văn minh” một cách đầy khinh bỉ. Đồng thời đã đặt chân qua hầu hết các nước thuộc địa trên thế giới, đã tới miền Bắc và miền Trung châu Phi, đã thấy rất nhiều cảnh đau khổ. Khi nói chuyện, đồng chí thường hay dùng chữ “anh em”. Anh em của Nguyễn Ái Quốc ở đây là những người da đen, những người Ấn Độ, những người Xyri, những người Trung Quốc…
Nguyễn Ái Quốc đã có lần gửi thư tới nhà văn Rơnê Marăng, người da đen có quốc tịch Pháp, là tác giả cuốn tiểu thuyết Batuala và đã đặt một câu hỏi một cách thẳng thắn: “Ông Marăng, ông muốn hay không muốn giúp đỡ công cuộc giải phóng các nước anh em ở thuộc địa?”. Rơnê Marăng, người được Viện Hàn lâm Pháp quàng cho một vòng hoa danh dự, đã trả lời Nguyễn Ái Quốc một cách dè dặt và quanh co.
- Tôi sinh ra trong một gia đình nhà nho An Nam. Những gia đình như thế ở nước chúng tôi không phải làm việc gì. Thanh niên trong những gia đình ấy thường học Khổng giáo, đồng chí chắc biết Khổng giáo không phải là tôn giáo mà là một thứ khoa học về kinh nghiệm đạo đức và phép ứng xử. Và trên cơ sở đó người ta đưa ra khái niệm về “thế giới đại đông”. Khi tôi độ mười ba tuổi, lần đầu tiên tôi được nghe ba chữ Pháp: Tự do, Bình đẳng, Bác ái. Đối với chúng tôi, người da trắng nào cũng là người Pháp. Người Pháp đã nói thế. Và từ thuở ấy, tôi rất muốn làm quen với nền văn minh Pháp, muốn tìm xem những gì ẩn đằng sau những chữ ấy. Nhưng trong những trường học cho người bản xứ, bọn Pháp dạy người như dạy con vẹt. Chúng giấu không cho người nước tôi xem sách báo. Không phải chỉ sách của các nhà văn mới, mà cả Rútxô và Môngtexkiơ cũng bị cấm. Vậy thì phải làm thế nào bây giờ ? Tôi quyết định tìm cách đi ra nước ngoài. Thân phận người An Nam chỉ là thân phận người nông nô. Chúng tôi bị cấm, không phải chỉ là bị cấm đi du lịch ra nước ngoài mà cả đi trong nước cũng không được. Đường sắt được xây dựng với mục đích “chiến lược” riêng. Theo con mắt của bọn thực dân, chúng tôi chưa đủ trình độ để sử dụng loại đường này. Tôi lang thang ra bờ biển và tôi đã vượt biển ra nước ngoài. Năm ấy tôi 19 tuổi. Ở Pháp lúc đó đang có tổng tuyển cử. Bọn tư sản Pháp đã dùng những thủ đoạn bẩn thỉu nhất để bôi nhọ lẫn nhau.
Gương mặt Nguyễn Ái Quốc nhăn lại một cách khinh bỉ. Đôi mắt nặng nề, u ám bỗng bừng lên. Trong đôi mắt mở to, ứa lệ, anh nhìn về xa xăm:
- Khi bọn Pháp đến cướp nước tôi, những gia đình nền nếp, gia giáo đã bỏ chạy hết không cộng tác với chúng. Bọn vô lại quen thói xu nịnh đã chiếm hết nhà cửa và vườn ruộng, chúng trở nên những tên tư sản mới giàu sụ, và chúng có khả năng giáo dục con cái theo kiểu Pháp. Bên chúng tôi coi những người thanh niên đi học các trường dòng của bọn Pháp là bọn người bỏ đi, là những đồ cặn bã. Thế mà người ta đã trả tiền để làm việc đó. Và dù những kẻ học ở các trường đó có đần độn đến mức nào chúng cũng cố để được đi làm cảnh sát, làm sen đầm. Bọn cố đạo ở nước tôi chiếm tới một phần năm tổng số ruộng đất cả nước. Chỉ có những chủ đồn điền mới so sánh được với họ.
Thực dân Pháp là gì? Ồ, đó là những kẻ bất tài và thiển cận. Việc quan tâm đầu tiên của chúng là hình thành nhóm người thân thuộc. Sau đó, là chiếm đoạt và cướp bóc thế nào cho thật nhiều và thật nhanh. Mục đích của toàn bộ chính sách này là có được một ngôi nhà nhỏ, “ngôi nhà nhỏ của mình” ở Pháp.
- Thực dân Pháp đầu độc nhân dân chúng tôi. Chúng bắt mọi người phải uống rượu. Chúng tôi có phong tục lấy gạo ngon làm ra rượu uống, khi có bạn tới chơi hoặc khi có ngày giỗ tổ tiên. Bọn thực dân Pháp đã lấy gạo xấu, rẻ tiền nấu rượu. Không ai thèm mua của chúng. Khốn thay rượu làm ra lại quá nhiều. Sau đó, người ta hạ lệnh cho các viên tỉnh trưởng cứ theo đầu người mà bắt buộc phải đi mua thứ rượu không ai uống.
Tôi đã hình dung ra được một cách rất cụ thể bọn thực dân đang dùng rượu đầu độc như thế nào dân tộc An Nam đáng yêu, một dân tộc rất lịch thiệp và độ lượng, rất ghét những gì thái quá. Dáng dấp của con người đang ngồi trước mặt tôi đây, Nguyễn Ái Quốc, cũng đang toả ra một cái gì thật lịch thiệp và tế nhị. Văn minh châu Âu trên đất nước ấy dùng lưỡi lê và rượu độc và che giấu tất cả những cái đó dưới tà áo dài đen của bọn cố đạo. Từ Nguyễn Ái Quốc đã toả ra một thứ văn hoá, không phải văn hoá Âu châu, mà có lẽ là một nền văn hoá tương lai.
- Hiện nay, ở Pari, một nhóm các đồng chí từ các nước thuộc địa của Pháp, 5-6 người Nam Kỳ, Xuđăng, Mađagátxca, Haiti đang xuất bản tờ báo Le Paria để chống lại chính sách thuộc địa của Pháp. Đó là tờ báo nhỏ. Các cộng tác viên phải bỏ tiền túi ra để xuất bản, thay cho việc nhận tiền nhuận bút.
Cây gậy tre với lời hiệu triệu in trên báo đã bí mật đến khắp các làng mạc. Nó được chuyển từ vùng này sang vùng khác, và đã có sự đồng tình với nhau. Nhưng người An Nam đã phải trả giá đắt cho việc đó, đã có những án tử hình và hàng trăm người đã bị mất đầu.
- Người dân An Nam không có linh mục, không có tôn giáo, theo cách nghĩ của châu Âu. Việc cúng bái tổ tiên hoàn toàn là một hiện tượng xã hội. Chúng tôi không có những người tư tế nào. Những người già trong gia đình hay các già bản là người thực hiện những nghi lễ tưởng niệm. Chúng tôi không biết uy tín của người thầy cúng, của linh mục là gì.
- Vâng, thật thú vị là chính quyền Pháp đã dạy cho những người nông dân chúng tôi biết những từ “bônsêvích” và “Lênin”. Chúng lùng bắt những người cộng sản trong dân chúng, trong khi chẳng có người cộng sản nào, hoàn toàn không có ngay cả trong ý niệm, và như vậy chính chúng đã tuyên truyền cho chủ nghĩa bônsêvích và Lênin.
Dân An Nam là một dân tộc giản dị và lịch thiệp. Qua phong thái thanh cao, trong giọng nói trầm ấm của Nguyễn Ái Quốc, chúng ta như nghe thấy ngày mai, như thấy sự yên tĩnh mênh mông của tình hữu ái toàn thế giới.
Trên bàn có một tập bản thảo, một bản báo cáo công tác rõ ràng, mang phong cách truyền tin của phóng viên. Anh đang tưởng tượng đến đề tài: Đại hội Quốc tế Cộng sản năm 1947. Anh như đang nhìn thấy, nghe thấy diễn biến của hội nghị, mà ở đó anh sẽ điều khiển chương trình nghị sự.
Lúc chia tay, Nguyễn Ái Quốc như nhớ điều gì.
- Vâng, chúng tôi còn có một cuộc “nổi dậy” nữa do vua An Nam trẻ tuổi Duy Tân phát động, chống lại việc đưa những người nông dân của chúng tôi đến chiến trường của Pháp. Vua Duy Tân đã chạy, bây giờ ông ấy đang sống lưu vong. Hãy kể về ông ấy nữa.

Báo Ogoniok (Liên Xô),
số 39, ngày 23-12-1923

(Hồ Chí Minh toàn tập; tập 1; Nxb Chính trị Quốc gia; năm 2000; trang 475)

Không có nhận xét nào:

Tìm kiếm Blog này