Thứ Tư, 22 tháng 2, 2012

Bài 05: Phân tích quan điểm “Con người vừa là mục tiêu vừa là động lực của chủ nghĩa xã hội”


Nhóm 2 - HK II 2011-2012

Sinh ra và lớn lên trong cảnh nước mất nhà tan, dân ta oằn mình dưới gót giày xâm lược của thực dân Pháp. Bao nhiêu cảnh trái ngang, bao nhiêu tủi nhục, khổ đau của kiếp người làm thân nô lệ đập vào mắt Bác, hằn sâu trong trái tim Người. Ra đi tìm đường cứu nước, tức là ra đi tìm ánh sáng cho dân tộc,  tìm hạnh phúc cho nhân dân. Cả một chặng đường dài, lĩnh hội Chủ nghĩa Mác – Lênin, hòa vào thực tế đấu tranh chung của giai cấp vô sản, tư tưởng Hồ Chí Minh dần được hình thành, đầy đủ, có hệ thống,sáng tạo, phù hợp với thực tiễn cách mạng nước ta. Trong hệ thống tư tưởng ấy, con người trở thành mục tiêu, động lực của CNXH.
1. Quan niệm Hồ Chí Minh về con người
Con người là động vật bậc cao, có tư duy, ngôn ngữ, biết lao động để phục vụ, thỏa mãn các nhu cầu về vật chất và tinh thần của bản thân.
Trong quan niệm của mình, Hồ Chí Minh luôn nhìn nhận con người như một thể thống nhất – thống nhất về tâm lực, thể lực và các hoạt động của nó.
Hồ Chí  Minh xem xét con người trong tính đa dạng của nó: đa dạng trong tính cách, nhân phẩm, đa dạng về xuất thân, các mối quan hệ xã hội, đa dạng về khả năng…
Vì xem con người là một thể thống nhất, Hồ Chí Minh luôn xem xét con người trong sự thống nhất của hai mặt đối lập: Thiện – ác, tốt – xấu, hay – dở, hiền – dữ... Bao gồm cả tính người (mặt xã hội) và tính bản năng (mặt sinh học) của con người, điểm chung ở đó “dù là xấu, tốt, văn minh hay dã man đều có tình”.
Con người mà Hồ Chí Minh thường nói tới là con người cụ thể, con người lịch sử, con người hiện lên khách quan, hiện thực chứ không phải kiểu con người chung chung của tôn giáo. Đồng thời, Hồ Chí Minh khẳng định bản chất của con người mang tinh tính xã hội. Con người là sản phẩm của xã hội, là tổng hợp các quan hệ xã hội từ rộng đến hẹp.
2. Con người là mục tiêu, động lực của chủ nghĩa xã hội
   Hồ Chí Minh khẳng định: Con người là vốn quý nhất – nhân tố quyết định thắng lợi của sự nghiệp cách mạng.
   Người cho rằng: “ Trong bầu trời không có gì quý bằng nhân dân, trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng của đoàn kết nhân dân”.
 Nhận thức được tầm quan trọng, vai trò to lớn của con người, trong hệ thống tư tưởng Hồ Chí Minh, con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của Chủ nghĩa xã hội. Con người xét trong ngữ cảnh này, có thể đồng nhất với toàn thể nhân dân.
2.1.               Con người là mục tiêu của chủ nghĩa xã hội
    Mục tiêu cách mạng của Hồ Chí Minh là giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội, giải phóng con người, thực hiện độc lập dân tộc và Chủ nghĩa xã hội. Trong hoàn cảnh nước ta bấy giờ, mục tiêu trước mắt là giải phóng, giành độc lập dân tộc. Sau khi giành chính quyền về tay nhân dân, ưu tiên các mục tiêu về ăn, mặc, ở, học hành, đi lại, khám chữa bệnh cho nhân dân.
   Người luận giải: nước độc lập mà dân không được hưởng hạnh phúc, tự do thì độc lập cũng không có nghĩa lý gì. Vì vậy, chúng ta phải thực hiện: “làm cho dân có ăn, làm cho dân có mặc, làm cho dân có chỗ ở, làm cho dân được học hành”. Muốn vậy, mọi chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Chính phủ đều phải xuất phát từ lợi ích chính đáng của con người. Con người được đặt vào vị thế trung tâm, trở thành mục tiêu của Chủ nghĩa xã hội. Điều này được thể hiện rõ trong hệ thống tư tưởng Hồ Chí Minh.
2.1.1.Mục tiêu chung
  Theo Hồ Chí Minh, mục tiêu chung của CNXH là độc lập, tự do cho dân tộc, hạnh phúc cho nhân dân; đó là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành.  Xét cho cùng, độc lập, tự do cho dân tộc là tiền đề, điều kiện mà chúng ta phấn đấu đạt được nhằm hướng tới cái đích cuối cùng là hạnh phúc của nhân dân. Làm cho nước ta hoàn toàn độc lập , tự do là làm cho con người thoát khỏi mọi xiềng xích, áp bức, bóc lột của kẻ thù, đưa con người trở lại vị thể làm chủ cuộc sống của chính mình, tạo hạnh phúc cho con người cả về vật chất lẫn tinh thần. Mục tiêu ấy nhằm đạt đến mục đich dài lâu là  “không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân”.
2.2.2. Mục tiêu cụ thể
- Về mục tiêu chính trị
Theo Hồ Chí Minh, trong thời kì quá độ lên CNXH, chế độ chính trị mà chúng ta xây dựng là chế độ do nhân dân làm chủ, Nhà nước của dân, do dân và vì dân. Nhà nước có hai chức năng chính : dân chủ với nhân dân và chuyên chính với kẻ thù. Hai chức năng ấy luôn đi đôi, song hành với nhau. Để phát huy quyền làm chủ của nhân dân, Hồ Chí Minh chỉ rõ con đường, biện pháp thực hiện các hình thức dân chủ trực tiếp, nâng cao năng lực hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội, củng cố các hình thức dân chủ gián tiếp, tăng cường hiệu lực và hiệu quả quản lý của các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp, xử lý và phân định rõ chức năng của chúng.
-         Về mục tiêu kinh tế
Nền kinh tế mà chúng ta đang xây dựng, theo Hồ Chí Minh là một nền kinh tế XHCN với công nghiệp và nông nghiệp hiện đại, khoa học và kĩ thuật tiên tiến, trên cơ sở kinh tế XHCN ngày càng phát triển, cách bóc lột theo Chủ nghĩa tư bản được xóa bỏ dần, đời sống vật chất và văn hóa của nhân dân ngày càng được cải thiện. Đó là nền kinh tế XHCN được tạo lập trên cơ sở chế độ sở hữu công cộng về tư liệu sản xuất. Phát triển kinh tế thực chất nhằm mục đích cuối cùng là cải thiện, nâng cao đời sống vật chất cho nhân dân.
-         Về mục tiêu văn hóa - xã hội
Văn hóa là một mục tiêu cơ bản của cách mạng XHCN, văn hóa thể hiện trong mọi sinh hoạt tinh thần của xã hội, đó là xóa nạn mù chữ, xây dựng và phát triển giáo dục, nâng cao dân trí, xây dựng, phát triển văn hóa nghệ thuật, bài trừ mê tín dị đoan…Hồ Chí Minh rất coi trọng văn hóa đạo đức, lối sống, xem cách mạng văn hóa có khi phải đi trước một bước để dọn đường cho cách mạng công nghiệp.
Nền văn hóa mà Đảng và Hồ Chí Minh chủ trương xây dựng là một nền văn hóa “lấy hạnh phúc của đồng bào, của dân tộc làm cơ sở”, “văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi”. Xây dựng một nền văn hóa như vậy xét cho cùng là  nhằm mục đích nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân.
Về mục tiêu phát triển con người toàn diện:  xã hội mà chúng ta xây dựng là một xã hội công bằng, dân chủ, có quan hệ tốt đẹp giữa người với người; các chính sách xã hội được quan tâm thực hiện đúng mức; đạo đức, lối sống xã hội phát triển lành mạnh.
Hồ Chí Minh quan niệm CNXH là công trình tập thể của nhân dân, do nhân dân xây dựng lấy. Người khẳng định: “Muốn xây dựng CNXH, trước hết cần có những con người CNXH”, vì vậy, Người đặt mục tiêu xây dựng con người mới, con người XHCN lên hàng đầu. Con người ấy, theo quan niệm của Hồ Chí Minh phải là con người có tinh thần và năng lực làm chủ, có đạo đức cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, có kiến thức khoa học - kĩ thuật, nhạy bén với cái mới, có tinh thần sáng tạo, dám nghĩ, dám làm. Đó là nguồn động lực quan trọng để xây dựng thành công CNXH.  Để giải phóng mọi tiềm năng có sãn của con người trong xây dựng CNXH, Hồ Chí Minh nhấn mạnh cần giải phóng người phụ nữ, bởi “nếu không giải phóng phụ nữ là xây dựng CNXH chỉ một nửa”.
2.2. Con người là động lực của CNXH
Để thực hiện được những mục tiêu chung và cụ thể nêu trên, cần phải phát hiện, khơi dậy động lực cho cuộc xây dựng XHCN. Theo Hồ Chí Minh, những động lực đó được biểu hiện ở các phương diện: động lực vật chất và động lực tinh thần, trong đó, quan trọng nhất là con người, mà cụ thể là nhân dân lao động, nòng cốt là liên minh công – nông - trí thức. Động lực này có sự kết hợp giữa cá nhân (sức mạnh cá thể) và xã hội (sức mạnh cộng đồng).
  Con người là động lực của cách mạng, của CNXH được nhìn nhận trên phạm vi cả nước, toàn thể đồng bào, song trước hết là ở giai cấp công nhân và nông dân. Chính lực lượng bản thân của con người tạo dựng nên sự nghiệp cách mạng, xây dựng CNXH.
 Bên cạnh đó, Người còn đặc biệt quan tâm tới hiệu lực của tổ chức, bộ máy nhà nước; coi trọng động lực kinh tế, phát triển kinh tế, sản xuất kinh doanh, làm cho tất cả mọi người trở nên giàu có…; cùng với đó, người cũng quan tâm đến văn hóa, khoa học, giáo dục, coi đó là động lực tinh thần không thể thiếu của CNXH; chú trọng kết hợp sức mạnh thời đại, tăng cường đoàn kết quốc tế. Những độc lực này, xét cho cùng, muốn có được đều phải khởi phát từ con người, lấy con người làm nền tảng để tạo lập, có được.
Con người là động lực của CNXH khi và chỉ khi được thức tỉnh, giác ngộ, giáo dục, định hướng và tổ chức. Họ phải có trí tuệ và bản lĩnh, văn hóa, đạo đức, được nuôi dưỡng trên nền truyền thống lịch sử văn hóa hàng ngàn năm của dân tộc Việt Nam. Con người là động lực chỉ có thể thực hiện khi hoạt động có tổ chức, có lãnh đạo, mà ở đây chính là Đảng cách mạng lấy Chủ nghĩa Mác – Lênin làm nền tảng tư tưởng.
Giữa con người mục tiêu và con người động lực có mối quan hệ gắn bó chặt chẽ, biện chứng với nhau. Hồ Chí Minh cho rằng: Càng chăm lo cho con người mục tiêu tốt bao nhiêu thì phát huy con người động lực tốt bấy nhiêu. Ngược lại, tăng cường được sức mạnh của con người động lực thì sẽ nhanh chóng đạt được mục tiêu cách mạng.
3.  Kết luận
Nhận thức được tầm quan trọng, vai trò của con người; thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh về vị trí của con người trong mục tiêu và động lực xây dựng CNXH, Đảng và Nhà nước ta luôn luôn chú trọng, đặt con người vào trung tâm để đưa ra các quyết định, chính sách, hướng đi cho đất nước.
 Về chính trị, chúng ta xây dựng một nhà nước thật sự của dân, do dân và vì dân. Phát huy quyền làm chủ của nhân dân trên mọi phương diện, không ngừng nâng cao hiệu quả quản lý của các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp, mở rộng quan hệ ngoại giao, nâng cao vị thế đất nước trên trường quốc tế.
Về kinh tế, chúng ta đang thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phát triển nền kinh tế trên tất cả mọi lĩnh vực, áp dụng khoa học – kĩ thuật vào sản xuất, nâng cao đời sống vật chất cho nhân dân. Bên cạnh đó,Đảng và Nhà nước còn thi hành các chính sách nhằm thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, chú trọng hỗ trợ, phát triển đời sống cho nhân dân các vùng dân tộc thiểu số, những gia đình có hoàn cảnh khó khăn.
Về văn hóa - xã hội: Đảng và Nhà nước thi hành nhiều chính sách văn hóa tiến bộ, nỗ lực loại bỏ mê tín dị đoan ra khỏi đời sống nhân dân.  Coi trọng giáo dục, đặt giáo dục vào vị trí trung tâm trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, coi “trồng người” là nhiệm vụ chiến lược lâu dài….
 Khái quát lại, có thể khẳng định,lấy con người làm mục tiêu, động lực của CNXH là tư tưởng hết sức đúng đắn của Hồ Chí Minh,mang tính định hướng cho từng bước đi của đất nước qua mỗi giai đoạn, thời kì, góp phần quyết định thắng lợi cho công cuộc tiến lên CNXH ở nước ta. Cho tới hiện tại, và cả mai sau, dù xã hội có đổi thay đến nhường nào, tư tưởng ấy vẫn sẽ giữ nguyên giá trị của nó.

Không có nhận xét nào:

Tìm kiếm Blog này