Thứ Tư, 29 tháng 8, 2012

BÁC HỒ VÀ BẢN TUYÊN NGÔN ĐỘC LẬP


Có niềm vui nào hơn niềm vui của người nô lệ được ban cho kiếp sống tự do, có hạnh phúc nào hơn hạnh phúc của dân tộc sau bao ngày tháng lầm than được làm chủ trên đất nước mình. 2/9/1945 là mốc son chói lọi trong lịch sử mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Cái ngày trọng đại ấy, Hồ Chí Minh đã long trọng đọc bản Tuyên ngôn độc lập đầu tiên khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa, chuyển từ kỷ nguyên nô lệ sang kỷ nguyên của độc lập, tự do.
Sáng 30/8/1945, trên gác 2, số nhà 48 Hàng Ngang, Hà Nội, Thường vụ Trung ương Đảng họp dưới sự chủ toạ của đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh, thông qua bản dự thảo Tuyên ngôn Độc lập mà Bác vừa hoàn thành đêm trước.
Và quả thật câu chuyện về Bác Hồ với Bản tuyên ngôn độc lập khiến cho ai khi biết đến đều không khỏi xúc động, đặc biệt đó lại càng là niềm tự hào của người dân Việt Nam.
Chiều ngày 31 tháng 8 năm 1945, Bác bảo đưa cho Bác xem sơ đồ địa điểm tổ chức mít tinh và nhắc Ban tổ chức chú ý cả nơi vệ sinh cho đồng bào, và dặn nếu trời mưa thì kết thúc sớm hơn, tránh cho đồng bào bị mưa ướt, nhất là đối với các cụ già và các cháu nhỏ. Chỉ thế thôi mà đã thể hiện được tấm lòng của Bác giành cho đồng bào ta mênh mông và tha thiết biết nhường nào.

Chiều ngày 2 tháng 9 năm 1945, trên quảng trường Ba Đình, một quang cảnh vừa náo nhiệt, vừa xúc động. Khi Cụ Hồ vừa xuất hiện trước máy phóng thanh, thì cả quảng trường âm vang tiếng hô:
- Cụ Hồ Chí Minh muôn năm!
- Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn năm!
Khi Người cất giọng trầm ấm, gần gũi đọc Bản tuyên ngôn độc lập thì cả biển người im phăng phắc lắng nghe từng lời như thấm vào máu thịt:
"Hỡi đồng bào cả nước! Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc...".
Đọc được một đoạn, Cụ Hồ bỗng dừng lại, đưa cặp mắt âu yếm nhìn toàn thể đồng bào, cất tiếng hỏi:
- Đồng bào nghe rõ tiếng tôi không?
Tiếng đáp lại liền ngay như sấm:
- Có!
Người dân và Chủ tịch nước bỗng trở nên gần gũi và vô cùng thân thiết. Giọng Người ngày càng đanh thép khẳng định chủ quyền của đất nước Việt Nam:
“Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe đồng minh chố ng phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập!

Vì những lẽ trên, chúng tôi - Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà - trịnh trọng tuyên bố với thế giới rằng: Nước Việt Nam có quyền hưởng Tự do, Độc lập và sự thật đã trở thành một nước Tự do, Độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền Tự do, Độc lập ấy!".
Bản tuyên ngôn là tinh hoa đúc kết của Bác suốt mấy chục năm hoạt động cách mạng. Chính Bác cũng đã không dấu nổi sự sung sướng mà nói rằng: “Trong đời tôi, tôi đã viết nhiều, nhưng đến bây giờ mới viết được một bản Tuyên ngôn như vậy”. Tác giả Trần Dân Tiên đã từng viết trong một tác phẩm của mình rằng Tuyên ngôn độc lâp “ là hoa là quả của bao nhiêu máu đã đổ và bao nhiêu tính mạng đã hy sinh của những người con anh dũng của Việt Nam trong nhà tù, trong trại tập trung, trong những hải đảo xa xôi, trên máy chém, trên chiến trường,... là kết quả của bao nhiêu hy vọng, gắng sức và tin tưởng của hơn 20 triệu nhân dân Việt Nam”.
Sau 30 năm từ ngày 2/9/1945 ấy, đất nước Việt Nam đã hoàn toàn độc lập, nhân dân Việt Nam đã hoàn toàn làm chủ trên quê hương đất nước mình. Đó cũng là lý tưởng mà Hồ Chí Minh hy sinh cả cuộc đời riêng của mình để theo đuổi. Chính những lời nói tâm huyết của Người sau buổi lễ trọng đại ấy đã tiếp them sức mạnh cho đồng bào thi đua, chiến đấu đánh đuổi bè lũ bán nước và cướp nước: Giành được Độc lập đã khó nhưng giữ vững Độc lập lại càng khó hơn. Tôi mong rằng đồng bào hãy gắn bó đoàn kết xung quanh Chính phủ để bảo vệ nền Độc lập mà nhân dân đã phải đổ biết bao xương máu vừa giành lại được"./.
…………………………………………………………………………………………………
Tuy nhiên, có một điều mà ít người nhận thấy và cũng rất ít người trả lời được rằng tại sao Bác lại không đọc Tuyên ngôn và sáng mùng 02/9, mà lại đọc vào chiều 02/9.

Thứ Ba, 28 tháng 8, 2012

ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN TRONG DẠY HỌC MÔN TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH THEO HƯỚNG PHÁT HUY TÍNH TÍCH CỰC, CHỦ ĐỘNG VÀ SÁNG TẠO CỦA SINH VIÊN


NGUYỄN VĂN QUANG
Trường Đại học Sư phạm - Đại học Huế

Tóm tắt: Phát huy tính tích cực, chủ động và sáng tạo của sinh viên trong học tập và nghiên cứu khoa học là một yêu cầu bắt buộc của nền giáo dục hiện đại. Ngày nay, với sự phát triển không ngừng, công nghệ thông tin (CNTT) đã trở thành công cụ hỗ trợ đắt lực cho việc đổi mới phương pháp dạy học. Với bài viết này, tác giả tập trung làm rõ việc ứng dụng CNTT theo hướng khai thác tối ưu hệ thống thông tin tư liệu, thiết kế giảng điện tử và tăng tính tích hợp các phương pháp, phương tiện dạy học trong dạy học môn tư tưởng Hồ Chí Minh. Qua đó, phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo, khả năng tự học, tự nghiên cứu của sinh viên và tăng cường khả năng tương tác giữa người dạy với người học.

1. ĐẶT VẤN ĐỀ
Trong hệ thống các môn học bậc đại học, tư tưởng Hồ Chí Minh là bộ môn thuộc khoa học chính trị, có hệ thống kiến thức mang tính lý luận và trừu tượng. Môn học này được giảng dạy chủ yếu bằng nhóm phương pháp dùng lời nên thường mang tính truyền thụ một chiều và “áp đặt” người học. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng của việc dạy học, cũng như sự yêu mến của sinh viên đối với các môn khoa học Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Vì vậy, việc ứng dụng CNTT với sự tích hợp các phương tiện dạy học tiên tiến để khai thác thông tin, hình ảnh, phim tư liệu vào thiết kế bài giảng và giảng dạy sẽ làm cho nội dung bài học phong phú, đa dạng, trực quan, sinh động, giúp người học dễ dàng tiếp nhận và khắc sâu kiến thức. Trong môn tư tưởng Hồ Chí Minh, ứng dụng CNTT góp phần quan trọng vào việc làm giàu thông tin, tư liệu của bài giảng; phát huy khả năng tương tác giữa giảng viên với sinh viên và giữa các sinh viên trong quá trình dạy học; đồng thời, chú trọng đến đến quá trình tự giáo dục, tự chiếm lĩnh tri thức của sinh viên. Đó cũng là mục tiêu vô cùng quan trọng trong nền giáo dục hiện đại.
2. ỨNG DỤNG CNTT TRONG GIẢNG DẠY MÔN TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH THEO HƯỚNG PHÁT HUY TÍNH TÍCH CỰC, CHỦ ĐỘNG VÀ SÁNG TẠO CỦA SINH VIÊN
2.1. Một số vấn đề về phát huy tính tích cực, chủ động và sáng tạo của sinh viên trong dạy học
Phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của sinh viên trong dạy học đã và đang là xu thế tất yếu của giáo dục hiện đại. Gắn với quá trình nêu trên là khái niệm “dạy học tích cực”, trong đó “phương pháp dạy học tích cực” là một trong những vấn đề được nhiều nhà giáo dục nghiên cứu, đúc kết từ thực tiễn và xây dựng thành những lý luận khoa học và có tính hệ thống. Phương pháp này xác định đối tượng giáo dục (người học) làm trung tâm của quá trình dạy học. Đó là cách thức dạy học theo lối phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của người học; hướng tới việc tích cực hóa các hoạt động nhận thức của người học. Giáo viên với tư cách là người giữ vai trò hướng dẫn, gợi mở, tổ chức các hoạt động giáo dục để giúp người học tự tìm kiếm, khám phá những tri thức mới theo kiểu trao đổi thông tin, thảo luận, tranh luận,... Ưu điểm lớn của phương pháp giáo dục này là chú trọng việc nâng cao khả năng tu duy, làm việc độc lập, sáng tạo của người học; tăng cường khả năng tương tác giữa các đối tượng người học; nêu và giải quyết tình huống, kích thích suy nghĩ, phân tích và xử lý các ý kiến đối lập, từ đó đi đến hệ thống hóa các vấn đề, tổng kết bài giảng, khắc sâu những tri thức cần nắm vững.
Trong giảng dạy các môn khoa học chính trị ở các trường cao đẳng, đại học liệu có thể áp dụng phương pháp dạy học này một khi các môn học Những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin, Đường lối các mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam và Tư tưởng Hồ Chí Minh thường dạy và học theo hình thức ghép lớp, sĩ số sinh viên đông, cơ sở vật chất phục vụ dạy học còn nhiều hạn chế. Một thực tiễn đáng bàn là để “an toàn” và “giấu hạn chế, khuyết điểm” về khả năng sử dụng trang thiết bị dạy học, khả năng ứng dụng công nghệ thông tin, nhiều giảng viên vẫn “trung thành” với giáo trình, bài giảng; bằng lòng với phương pháp truyền thụ “một chiều” và “vốn kinh nghiệm” của mình mà chưa quan tâm phát huy tính tự học, tự nghiên cứu, sự tranh luận, thảo luận của sinh viên. Đó thực sự là những trở ngại lớn cho quá trình dạy học, nhưng không phải là không thể không vượt qua. Nhưng vượt qua như thế nào, các giải pháp, biện pháp cụ thể thì không thể dễ dàng tìm ra.
Qua thực tiễn giảng dạy, chúng tôi thấy rằng đối với môn học tư tưởng Hồ Chí Minh, vận dụng phương pháp dạy học tích cực trong dạy và học là một việc làm cần thiết để tích cực hóa những hoạt động của sinh viên trong quá trình lĩnh hội tri thức. Có thể kế đến một số phương pháp dạy học tích cực trong dạy học môn tư tưởng Hồ Chí Minh ở bậc cao đẳng, đại học như: phương pháp tình huống; phương pháp thảo luận, làm việc theo nhóm; phương pháp đóng vai; trò chơi trí tuệ; thực hành tư tưởng Hồ Chí Minh trong thực tiễn cuộc sống;… Từ đó, cũng có thể xác định một số ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy môn tư tưởng Hồ Chí Minh như: ứng dụng CNTT để khai thác hệ thống thông tin, tư liệu; thiết kế và trình bày bài giảng điện tử; khai thác khả năng tích hợp đa phương tiện trong thiết kế bài giảng và giảng dạy.
2.2. Một số ứng dụng CNTT trong giảng dạy môn Tư tưởng Hồ Chí Minh
2.2.1. Ứng dụng CNTT để khai thác hệ thống thông tin, tư liệu
Hệ thống thông tin, tư liệu phục giảng dạy tư tưởng Hồ Chí Minh rất phong phú, đa dạng, gồm nhiều dạng khác nhau như: văn bản, sách báo, số liệu, bản đồ, sơ đồ, hình ảnh, âm thanh, phim tư liệu. Đó là những “nguyên liệu” cần thiết để xây dựng những bài giảng sinh động. Ứng dụng CNTT để khai thác hệ thống thông tin, tư liệu phục vụ giảng dạy được thực hiện theo hai hướng cơ bản sau:
- Khai thác thông tin, tư liệu giảng dạy từ internet.
Ứng dụng CNTT để khai thác thông tin, tư liệu giảng dạy từ internet là quá trình sử dụng CNTT với những phần mềm, ứng dụng tin học kết nối với internet để tìm kiếm, khai thác thông tin, tổng hợp thành hệ thống tư liệu phục vụ quá trình biên soạn, thiết kế bài giảng và giảng dạy [5]. 
Hệ thống thông tin, tư liệu phục vụ giảng dạy tư tưởng Hồ Chí Minh được lưu trữ trên internet bao gồm các tác phẩm, bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh; những mẫu chuyện về cuộc đời hoạt động cách mạng, tác phong, nhân cách, đạo đức của Người; những hình ảnh, thước phim quý giá về quá trình hoạt động cách mạng của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh. Ngoài ra, những tư liệu, phóng sự về những con người sống và làm việc cùng thời với Chủ tịch Hồ Chí Minh được công bố trên các trang thông tin điện tử của Đảng, Nhà nước và các cơ quan, tổ chức có tư cách pháp nhân như: Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam Đảng, Bảo tàng Hồ Chí Minh, Tạp chí Cộng sản điện tử, Tạp chí Lý luận Chính trị - Hành chính, tạp chí Lịch sử Đảng… Hệ thống thông tin tư liệu trên, cùng với giáo trình Tư tưởng Hồ Chí Minh là những tư liệu quan trọng phục vụ cho công tác biên soạn, thiết kế bài giảng tư tưởng Hồ Chí Minh, cũng như phục vụ cho công tác học tập, nghiên cứu, giảng dạy môn học này.
Với việc sử dụng internet để khai thác thông tin tư liệu cho phép giáo viên nhanh chóng tiếp cận nhiều nguồn tài liệu khác nhau trong thời gian ngắn, kết quả được thu thập, xử lý nhanh chóng. Sau khi thu thập thông tin, việc thành lập các cây thư mục để lưu trữ tạo điều kiện thuận lợi cho giáo viên biên soạn, thiết kế bài giảng. Sự phong phú của thư viện tư liệu (âm thanh, hình ảnh, phim tư liệu, số liệu thống kê…) sẽ giúp cho quá trình xây dựng bài giảng diễn ra nhanh chóng, hiệu quả cao. Kết quả tìm kiếm và thư viện tư liệu, giáo viên có thể giới thiệu để sinh viên nghiên cứu, học tập [4, 160]. Tuy nhiên, hạn chế lớn nhất của hướng khai thác này là tính xác thực và chính thống của thông tin. Vì vậy, người dạy phải hướng dẫn tiếp cận và chọn lọc thông tin để phục vụ cho học tập và nghiên cứu.
- Khai thác tư liệu từ hệ thống băng, đĩa tư liệu về Hồ Chí Minh.
Ứng dụng CNTT để khai thác tư liệu từ hệ thống băng đĩa tư liệu về Hồ Chí Minh là quá trình lựa chọn, sử dụng các thiết bị công nghệ để khai thác tư liệu từ hệ thống băng, đĩa tư liệu về Hồ Chí Minh nhằm phục vụ cho mục đích dạy học môn tư tưởng Hồ Chí Minh. Hệ thống băng, đĩa tư liệu về Hồ Chí Minh hiện nay rất phong phú và đa dạng, gồm: hệ thống CD-ROM Hồ Chí Minh toàn tập, phim Hồ Chí Minh - Chân dung một con người, phim Việt Nam - Hồ Chí Minh, các băng hình, đĩa nhạc về Chủ tịch Hồ Chí Minh… Trong đó, CD-ROM Hồ Chí Minh toàn tập là một công trình đồ sộ với 12 tập “Hồ Chí Minh toàn tập” do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia ấn hành, 40 phút phim tư liệu, gần 1000 ảnh tư liệu, 220 phút âm thanh ghi lại giọng nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh, những bài hát về Chủ tịch Hồ Chí Minh... Đây thực sự là công cụ hữu ích cho giáo viên giảng dạy môn tư tưởng Hồ Chí Minh cũng như những nhà nghiên cứu, nhà khoa học, học sinh, sinh viên muốn tìm hiểu về Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Băng đĩa về Chủ tịch Hồ Chí Minh là nguồn tư liệu quan trọng phục vụ đắt lực cho việc biên soạn, thiết kế bài giảng cũng như giảng dạy môn học tư tưởng Hồ Chí Minh. Từ thực tiễn giảng dạy, chúng tôi đánh giá cao hiệu quả của việc sử dụng băng đĩa tư liệu vào giảng dạy là rất lớn, thu hút được sự chú ý của sinh viên; tác động trực tiếp đến nhận thức, tư tưởng, tình cảm của sinh viên. Đồng thời, sử dụng băng đĩa để giảng dạy, giáo viên dễ khắc sâu, mở rộng các đơn vị kiến thức, tăng tính trực quan, sinh động của bài giảng. Tuy nhiên, trở ngại lớn nhất của hướng khai thác này là cơ sở vật chất phục vụ quá trình dạy học và khả năng khai thác của người dạy cũng như người học.
2.2.2. Ứng dụng CNTT để thiết kế và trình bày bài giảng điện tử
Ứng dụng CNTT để thiết kế và trình bày bài giảng là quá trình sử dụng các phần mềm và phương tiện dạy học để xây dựng giáo trình, bài giảng và giảng dạy hệ thống giáo trình, bài giảng đó. Để thiết kế và trình bài giảng điện tử môn tư tưởng Hồ Chí Minh hiện nay, chúng tôi chủ yếu sử dụng phần mềm eXe e-Learning, ứng dụng Microsoft Powerpoint để thiết kế, phát triển và xuất bản tài liệu học tập.
- Ứng dụng eXe e-Learning (eXe) để thiết kế bài giảng điện tử
Từ kết quả của nhiều đợt tập huấn về ứng dụng CNTT trong dạy học bậc đại học và được trang bị những phần mềm dạy học mới, chúng tôi đã tiếp cận và khai thác eXe e-Learning để thiết kế bài giảng điện tử. Phần mềm eXe là công cụ soạn thảo trên nền tảng web, hỗ trợ cho giáo viên, học sinh sinh viên trong việc thiết kế, phát triển và xuất bản tài liệu học tập và giảng dạy. Sử dụng phần mềm eXe để thiết kế bài giảng môn tư tưởng Hồ Chí Minh là quá trình giáo viên thiết kế bài giảng với cấu trúc bài học phù hợp với nhu cầu truyền đạt kiến thức, mục tiêu và yêu cầu của môn học.
Phần mềm eXe là công cụ soạn thảo, hỗ trợ đắt lực trong việc thiết kế và đóng gói dữ liệu bài giảng mà không cần có kiến thức căn bản về HTML, XML hay những chương trình soạn thảo phức tạp. Sử dụng phần mềm eXe để thiết kế bài giảng tư tưởng Hồ Chí Minh, cho phép giáo viên có thể chèn những hình ảnh, đoạn phim tư liệu để truyền đạt các đơn vị kiến thức. Bên cạnh đó, giáo viên và sinh viên có thể tương tác với nhau; giáo viên có thể kiểm tra mức độ nhận thức của sinh viên bằng những câu hỏi, bài tập kiểm tra, chủ đề thảo luận,… Với chức năng Export của chương trình cho phép đóng gói và xuất bản bài giảng. Những bài giảng sau khi xuất bản có thể đưa lên các website dạy học, giảng viên và sinh viên có thể tải và sử dụng bất cứ ở đâu.
Ứng dụng phần mềm eXe vào thiết kế bài giảng tư tưởng Hồ Chí Minh tạo điều kiện thuận lợi để giảng viên, học sinh sinh viên có thể tiếp cận với dạy học hiện đại - dạy học tương tác; đồng thời, sinh viên có thể làm việc theo nhóm độc lập, khai thác công nghệ thông tin để hoàn thành các bài tập, đề án được giao. Điều này sẽ góp phần chuyển quá trình học tập, chiếm lĩnh tri thức trên lớp sang quá trình sinh viên tự học, tự chiếm lĩnh tri thức thông qua sự điều chỉnh, hướng dẫn của giảng viên. Đây chính là phương thức dạy học hiện đại được áp dụng trong các trường đại học trên thế giới hiện nay. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể tiếp cận, khai thác phần mềm này để thiết kế bài giảng, bởi nó đòi hỏi người dạy và người học những kỹ năng tin học cần thiết.
- Ứng dụng Microsoft Powerpoint để thiết kế và trình bày bài giảng
Microsoft Powerpoint là tiện ích dùng để hiện thực hoá ý tưởng sư phạm của bài giảng đã được thiết kế trên giấy thành những bản trình diễn sống động. Sử dụng Microsoft Powerpoint để thiết kế và trình bày bài giảng thực chất là quá trình xây dựng hệ thống bài bài giảng và trình bày bài giảng. Thực tiễn cho thấy, nhiều giáo viên, giảng viên đã lựa chọn ứng dụng này để xây dựng các bài thuyết trình, bài giảng bởi tính phổ quát và tiện dụng của nó.
Microsoft PowerPoint có thể ứng dụng để thiết kế và trình bày bài giảng tư tưởng Hồ Chí Minh vì nó có một số ưu thế như: có giao diện đẹp, hiệu ứng âm thanh, màu sắc phong phú; có thể chèn hình ảnh, phim tư liệu, thiết kế các sơ đồ, biểu đồ,… thuận lợi cho việc giải thích, mở rộng, liên kết kiến thức bên ngoài, làm giờ học hấp dẫn, sinh động; có khả năng kết nối với các nội dung bài học, các sản phẩm nghiên cứu, bài tập của sinh viên để tạo thành hệ thống bài giảng hoàn chỉnh; đồng thời, Microsoft Powerpoint có khả năng tích hợp cùng một lúc nhiều chức năng khác nhau: chức năng mô hình hóa, chức năng thông tin, chức năng điều khiển và định hướng thông tin, chức năng luyện tập và thực hành, chức năng thiết kế, kiểm tra đánh giá [6, 55-56].
Việc ứng dụng Microsoft Powerpoint trong thiết kế và giảng dạy môn tư tưởng Hồ Chí Minh tạo điều kiện đẩy nhanh quá trình đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát huy tính cực, chủ động, sáng tạo của sinh viên, tăng cường khả năng tương tác, làm việc độc lập theo nhóm của sinh viên cũng như khả năng tương tác giữa giữa giảng viên và sinh viên. Bên cạnh đó, giáo viên có thể tiến hành thiết kế bài giảng, điều chỉnh nội dung bài giảng một cách nhanh chóng, phù hợp với từng đối tượng nhóm, lớp học [1].
2.2.3. Ứng dụng CNTT để khai thác khả năng tích hợp đa phương tiện trong thiết kế bài giảng và giảng dạy
Dạy học tư tưởng Hồ Chí Minh là một hoạt động đặc thù, một quá trình sư phạm phức hợp. Do đó, muốn đạt mục tiêu dạy học đề ra, đòi hỏi các đối tượng giáo dục (người dạy và người học) phải tích hợp nhiều phương tiện dạy học khác nhau. Để khai thác khả năng tích hợp đa phương tiện trong thiết kế bài giảng và giảng dạy tư tưởng Hồ Chí Minh, chúng tôi thực hiện theo hai hướng cơ bản sau:
- Tích hợp đa phương tiện để thiết kế bài giảng
Tích hợp đa phương tiện để thiết kế bài giảng thực chất là quá trình người dạy sử dụng tổng hợp các phương tiện, trang thiết bị dạy học để thiết kế bài giảng. Người dạy căn cứ vào mục tiêu, nội dung của bài học, chuyên đề mà ứng dụng CNTT với các mức độ và hình thức khác nhau. Quá trình ứng dụng CNTT để khai thác khả năng tích hợp đa phương tiện trong thiết kế bài giảng được thực hiện theo hai bước sau: thứ nhất, sử dụng máy tính và các trang thiết bị tin học để thu thập, xử lý thông tin, hình ảnh, phim tư liệu, xây dựng ý tưởng sư phạm của bài giảng; thứ hai, giáo viên sử dụng các phần mềm, ứng dụng để thiết kế bài giảng [4, 162].
Tích hợp đa phương tiện để thiết kế bài giảng là một tất yếu trong dạy học hiện đại. Đối với môn tư tưởng Hồ Chí Minh, tích hợp đa phương tiện mang lại hiệu quả tích cực không chỉ đối với việc thu thập, xử lý thông tin mà còn góp phần xây dựng hệ thống ý tưởng sư phạm và hệ thống bài giảng hoàn chỉnh. Việc tích hợp đa phương tiện đảm bảo cơ sở vật chất cần thiết cho sự phong phú của bài giảng, làm bài giảng có sức sống, giàu thông tin; đồng thời, tích hợp đa phương tiện để khai thác các hình ảnh, phim tư liệu, giáo viên có thể truyền đạt, khắc sâu kiến thức nhanh chóng và hiệu quả.
- Tích hợp đa phương tiện trong quá trình giảng dạy
Tích hợp đa phương tiện trong quá trình giảng dạy là quá trình giáo viên sử dụng đồng bộ các phương tiện dạy học để truyền đạt kiến thức. Đối với giảng dạy tư tưởng Hồ Chí Minh, sự tích hợp đa phương tiện được thể hiện ở việc giáo viên xác định hệ thống cơ sở vật chất phục vụ dạy học, xác định những yêu cầu về phương tiện dạy học của bài giảng; đồng thời sử dụng tích hợp các phương tiện trong quá trình giảng dạy [4, 162]. Mỗi phương tiện dạy học đều có công năng khác nhau, vì vậy, để đạt mục tiêu của bài học, giáo viên phải sử dụng kết hợp các phương tiện dạy học.
Việc ứng dụng CNTT để khai thác tính tích hợp đa phương tiện trong quá trình giảng dạy là một việc làm cần thiết đối với các môn thuộc khoa học xã hội nói chung và môn tư tưởng Hồ Chí Minh nói riêng. Sự tích hợp đó giúp giáo viên truyền đạt hệ thống tri thức nhanh chóng và hiệu quả, khắc sâu những kiến thức trọng tâm, giờ học trở nên sinh động, linh hoạt. Đối với sinh viên, phương tiện dạy học được sử dụng một cách hợp lý, đúng chức năng sẽ tăng sức hấp dẫn, cuốn hút vào bài giảng
3. MỘT SỐ YÊU CẦU SƯ PHẠM TRONG ỨNG DỤNG CNTT VÀO GIẢNG DẠY MÔN TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH
Với mục đích phát huy tính tích cực, sáng tạo, tự học, tự nghiên cứu của sinh viên; tăng cường khả năng tương tác giữa giáo viên với sinh viên, giữa sinh viên với sinh viên; đồng thời, tăng cường khả năng làm việc theo nhóm của sinh viên trong quá trình lĩnh hội tri thức, việc ứng dụng CNTT trong dạy học môn tư tưởng Hồ Chí Minh cần quán triệt một số yêu cầu cơ bản sau:  
- Một là, việc khai thác, sử dụng tư liệu từ internet phải đảm tính đảng, tính cách mạng, khoa học; phải đứng trên lập trường, quan điểm mácxít để lựa chọn tài liệu, phản ánh chân xác, đúng đắn về con người và tư tưởng Hồ Chí Minh. Tham khảo các bài viết, công trình nghiên cứu đòi hỏi phải có sự phân tích, tổng hợp, so sánh, đối chiếu; phải biết chọn lựa những nội dung bản chất, phù hợp với các bài học, chuyên đề trong chương trình giảng dạy.
- Hai là, phải nắm vững kiến thức, cách thức và nguyên tắc sử dụng phương tiện dạy học, có kỹ năng tra cứu thông tin và kiến thức tin học phổ thông; biết sử dụng thành thạo máy tính, cách thức soạn thảo văn bản, thiết kế bài giảng và biết kết hợp nhuần nhuyễn các phương tiện dạy học.
- Ba là, hình ảnh, âm thanh, sơ đồ, biểu đồ được sử dụng để giảng dạy phải đảm bảo tính xác thực, độ thẩm mỹ, không cầu kì, phức tạp. Không sử dụng nhiều thông tin, hình ảnh, đoạn phim mang tính phản diện, phản cảm. Hình ảnh, đoạn phim đăng tải phải mang tính giáo dục, định hướng chính trị và góp phần hình thành ý thức, tình cảm, thái độ cho sinh viên; hình ảnh, phim tư liệu, các băng đĩa phục vụ giảng dạy phải được phê duyệt, được phát hành bởi các xuất bản có uy tín, có tư cách pháp nhân
- Bốn là, sử dụng phương tiện dạy học phải đáp ứng được mục tiêu và phù hợp với nội dung của bài học, đề cao vai trò hoạt động chủ động, tích cực của người học; sử dụng phương tiện dạy học phải đúng lúc, đúng chỗ, đủ cường độ, tránh sử dụng một cách lạm dụng các phương tiện dạy học; kết hợp nhiều phương tiện dạy học khác nhau; đảm bảo sự tương tác đa chiều trong quá trình thiết kế và giảng dạy.
- Năm là, không lạm dụng kỹ thuật trình diễn và thiết đặt các hiệu ứng trong quá trình thiết kế và trình bày bài giảng. Dạy học là một quá trình tương tương tác chứ không phải là nơi người dạy “phô diễn” các sản phẩm bằng các slide trình chiếu. Việc quá lạm dụng kỹ thuật soạn thảo, trình chiếu sẽ gây ra hiện tượng “trình diễn” nhiều hơn, quá trình dạy học mất đi bản chất vốn có của nó. Người học chỉ chăm chú vào hình ảnh, phim, những chi tiết đồ họa hơn nội dung và ý nghĩa của các đơn vị kiến thức.
- Sáu là, phải xây dựng ý tưởng sư phạm cho mỗi bài học, tiết học. Điều này quyết định đến chất lượng của bài thiết kế cũng như chất lượng của tiết học. Giáo viên phải lựa chọn các đơn vị kiến thức trọng tâm; sử dụng các phần mềm, hình ảnh, đoạn phim cần thiết, sơ đồ, biểu đồ có tính khái quát cao… Quá trình xây dựng ý tưởng sư phạm tiến hành chu đáo, có đầu tư sẽ là nhân tố quyết định thành công cho một tiết dạy.
- Bảy là, phải xây dựng các thư viện tư liệu phong phú, đa dạng, gắn với từng đơn vị kiến thức, đề mục của bài giảng. Mục đích của thư viện là dẫn người học đến khái niệm, nội dung cơ bản, nội dung trọng tâm của bài học hoặc để làm rõ các đơn vị kiến thức. Thư viện tư liệu càng đa dạng, phong phú sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho giáo viên thiết kế bài giảng một cách nhanh chóng.
- Tám là, giáo viên giảng dạy tư tưởng Hồ Chí Minh phải giỏi về chuyên môn, vững vàng về nghiệp vụ, nắm vững và sử dụng linh hoạt các phương pháp, hình thức dạy học phù hợp với nội dung bài học, với từng đối tượng học sinh và phương tiện dạy học. Sự vững vàng về chuyên môn cho phép người giáo viên định hướng việc thiết kế bài giảng, lựa chọn phần mềm, phương tiện dạy học, sưu tầm các sơ đồ, biểu đồ, tranh ảnh, phim tư liệu để phục vụ cho bài dạy…
- Chín là, với tư cách là người hướng dẫn, chuyên gia về “cách học”, giáo viên phải xây dựng các bài giảng phù hợp với từng đối tượng sinh viên, nhóm học, lớp học; sử dụng có hiệu quả các phương pháp giáo dục phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của sinh viên.
- Mười là, ứng dụng CNTT vào dạy học môn tư tưởng Hồ Chí Minh phải hướng đến các hoạt động nhận thức cho người học, chú trọng rèn luyện phương pháp tự học, tăng cường học tập độc lập kết hợp chặt chẽ với học tập hợp tác.
3. KẾT LUẬN
Ứng dụng CNTT để nâng cao chất lượng dạy và học môn tư tưởng Hồ Chí Minh theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động và sáng tạo của sinh viên ở các trường cao đẳng, đại học hiện nay là một yêu cầu cấp thiết. Yêu cầu về đổi mới phương pháp dạy học không chỉ dừng lại trên lý thuyết mà còn chú trọng đổi mới việc biên soạn, thiết kế bài giảng cho đến việc truyền thụ tri thức trên lớp bằng các phương pháp và phương tiện dạy học khác nhau. Người giáo viên không chỉ chuẩn bị đầy đủ các phương tiện, phần mềm dạy học; nắm vững tri thức môn học, kỹ năng, nghiệp vụ sư phạm mà còn phải nắm vững kiến thức về thiết kế bài dạy học, kiến thức tin học phổ thông, đặc biệt là sự kết hợp hài hòa, nhuần nhuyễn giữa phương pháp dạy học truyền thống và phương pháp dạy học hiện đại nhằm đạt được mục tiêu giáo dục đề ra. Ứng dụng công nghệ thông tin vào thiết kế bài giảng và giảng dạy môn tư tưởng Hồ Chí Minh là động lực quan trọng thúc đẩy việc đổi mới nội dung chương trình và phương pháp giáo dục, cải tiến việc đánh giá và quản lý giáo dục trong giáo dục cao đẳng, đại học hiện nay.
4. TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1].   Võ Trọng An (2009). Sử dụng R-learning trong dạy học (Tài liệu tập huấn nâng cao năng lực cho giảng viên về sử dụng E-learning trong dạy học). Trường Đại học Sư phạm - Đại hoc Huế.
[2].   Đề án khoa học công nghệ trọng điểm của Trường ĐHSP Huế (2005-2006). Nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ thông tin trong đổi mới phương pháp dạy học và nghiên cứu khoa học cho giảng viên bộ môn phương pháp dạy học cuả các khoa tại Trường Đại học Sư phạm Huế, TT NCGD&BDGV.
[3].   Quách Tuấn Ngọc (1999).  “Đổi mới phương pháp dạy học bằng công nghệ thông tin - xu thế của thời đại”, Tạp chí Đại học và giáo dục chuyên ngành, số 8.
[4].   Nguyễn Văn Quang (2010). “Ứng dụng CNTT trong giảng dạy môn tư tưởng Hồ Chí Minh”, Tạp chí Khoa học và Giáo dục, Trường Đại học Sư phạm - Đại học Huế, Số 04 (16), tr.159-265.
[5].   Lâm Quang Thiệp (2007). Công nghệ mới với việc dạy và học trong các trường Cao đẳng, Đại học, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
[6].   Lê Công Triêm, Nguyễn Đức Vũ (2006). Ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
[7].   Website: http://exelearning.org/wiki

ThS. NGUYỄN VĂN QUANG
Khoa Giáo dục Chính trị
Trường Đại học Sư phạm - Đại học Huế
SĐT: 0973882488
Email: nguyenvanquang@dhsphue.edu.vn

Tìm kiếm Blog này