Thứ Ba, 22 tháng 3, 2016

TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ DÂN CHỦ TRONG XÂY DỰNG XÃ HỘI MỚI

TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ DÂN CHỦ
TRONG XÂY DỰNG XÃ HỘI MỚI

NGUYỄN VĂN QUANG
Trường Đại học Sư phạm - Đại học Huế

Tóm tắt: Trong suốt quá trình hoạt động lý luận và thực tiễn chỉ đạo cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác lập một hệ thống các quan điểm về dân chủ và hiện thực hóa những quan điểm đó trong tổ chức xây dựng xã hội mới trên tất cả các lĩnh vực. Tư tưởng của Người về dân chủ đã trở thành một bộ phận văn hóa của dân tộc Việt Nam. Người xứng đáng với danh hiệu “Nhà thực hành dân chủ vĩ đại của thế kỷ XX”.

1. Tư tưởng dân chủ Hồ Chí Minh có cơ sở vững chắc là tư tưởng dân chủ của dân tộc Việt Nam từ truyền thống đến hiện đại, được kết tinh qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước; những giá trị dân chủ của văn hóa phương Đông và phương Tây, đặc biệt là lý tưởng giải phóng dân tộc gắn với giải phóng xã hội, giải phóng con người, làm cho toàn thể nhân dân được sống trong một xã hội dân chủ thực sự của chủ nghĩa Mác - Lênin.
Trong hoạt động lý luận của mình, Hồ Chí Minh đã sử dụng thuật ngữ “dân chủ” khoảng 1400 lần trong Hồ Chí Minh Toàn tập, xuất hiện lần đầu tiên trong bài Phong trào Cộng sản quốc tế được Người đăng trên báo Le Paria năm 1921. Trả lời câu hỏi “Dân chủ là như thế nào?” Người đã viết: “Là dân làm chủ”. “Nước ta là nước dân chủ, nghĩa là nước nhà là do dân làm chủ, chế độ ta là chế độ dân chủ. Tức là nhân dân làm chủ”. Để luận giải rõ quan niệm dân chủ, Người còn viết: “Nước ta là nước dân chủ. Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân. Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân. Sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc là công việc của dân. Chính quyền từ xã đến chính phủ do dân cử ra. Đoàn thể từ Trung ương đến xã do dân tổ chức nên. Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân” [5; tr.232], hay như “Nước ta là nước dân chủ, địa vị cao nhất là dân, vì dân là chủ” [6, tr.434]. Như vậy, Hồ Chí Minh định nghĩa dân chủ là “dân là chủ” và “dân làm chủ”. Định nghĩa này của Người đã khắc phục được những nhược điểm của tất cả các định nghĩa và quan niệm về dân chủ trong lịch sử và có ý nghĩa to lớn trong công cuộc xây dựng xã hội mới ở Việt Nam.
2. Tư tưởng dân chủ Hồ Chí Minh trong xây dựng xã hội mới gồm những nội dung có giá trị lý luận và thực tiễn vô cùng sâu sắc đối với cách mạng Việt Nam qua các thời kỳ.
- Dân chủ trong lĩnh vực chính trị
Quan điểm của Hồ Chí Minh về dân chủ trong chính trị được thể hiện ở việc khẳng định quyền lực của nhân dân trong Hiến pháp và pháp luật; đảm bảo tổ chức nhà nước dân chủ của dân, do dân và vì dân.
Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Nước ta là nước dân chủ, địa vị cao nhất là dân, vì dân là chủ” [6, tr.434]. Quan niệm địa vị cao nhất là dân được Hồ Chí Minh giải thích rất ngắn gọn “dân là chủ”, mọi quyền hành và lực lượng là của nhân dân, mọi công việc đều do dân và do đó thành quả của nền dân chủ mới thuộc về đại đa số quần chúng nhân dân chứ không phải của bất cứ một số ít dân cư nào. Vấn đề là chủ, làm chủ của nhân dân, của các giai tầng trong xã hội được pháp điển hóa trong các bản Hiến pháp (1946 và 1959). Hiến pháp năm 1946 bảo đảm “Quyền tư hữu tài sản của công dân Việt Nam” (Điều 12), “Quyền lợi các giới cần lao trí thức và chân tay” (Điều 13). Hiến pháp năm 1946 còn tuyên bố: “Nghị viện nhân dân là cơ quan có quyền cao nhất nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa” (Điều 22), Ban Thương vụ Nghị viện có quyền “kiểm soát và phê bình Chính phủ” (Điều 36)… Quan điểm “quyền lực thuộc về nhân dân” còn được Hồ Chí Minh nói rõ trong bản Hiến pháp năm 1959. Điều 6 của bản Hiến pháp này nêu rõ: “Tất cả các cơ quan Nhà nước là phải dựa vào nhân dân, liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến và chịu sự kiểm soát của nhân dân...”.  
Những quan điểm của Hồ Chí Minh về xây dựng Hiến pháp dân chủ, xác định quyền làm chủ của nhân dân trong thực tiễn là những quan điểm căn bản cho việc xây dựng mặt vật chất của hệ thống chính trị dân chủ ở nước ta, thể hiện qua việc xây dựng Nhà nước dân chủ của dân, do dân và vì dân.
Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, nhà nước của dân là nhà nước trong đó dân là chủ; dân là người có địa vị cao nhất, có quyền quyết định những vấn đề quan trọng nhất của đất nước, dân tộc. Người khẳng định: “Tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam, không phân biệt nòi giống, gái trai, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo”. Nhà nước do dân nghĩa là dân làm chủ nhà nước; nhà nước phải tin dân và dựa vào dân. Nội dung quyền làm chủ nhà nước của dân được thể hiện: Nhân dân là người tổ chức nên các cơ quan nhà nước từ trung ương đến địa phương thông qua thực hiện chế độ tổng tuyển cử phổ thông. Nhân dân có quyền bầu cử, ứng cử, đồng thời có quyền thực hiên chế độ bãi miễn. Người viết: “Nếu Chính phủ làm hại dân thì dân có quyền đuổi Chính phủ” [4; tr.75]. Nhà nước vì dân là nhà nước phục vụ nhân dân, đem lại lợi ích cho nhân dân. Điều này được Người giải thích: Nhà nước phục vụ nhân dân, nghĩa là nhà nước đó được tổ chức và hoạt động theo một mục tiêu cao nhất và duy nhất là không ngừng cải thiện và nâng cao đời sống của nhân dân đúng với phương châm “Việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì hại đến dân phải hết sức tránh”. Nhà nước phải chăm lo mọi mặt đời sống của nhân dân, thoả mãn các nhu cầu thiết yếu nhất: làm cho dân có ăn, làm cho dân có mặc, làm cho dân có chỗ ở, làm cho dân được học hành, làm cho dân có điều kiện khám chữa bệnh, chăm sóc sức khoẻ…
Bản chất dân chủ của Nhà nước Việt Nam theo tư tưởng Hồ Chí Minh được Đại hội X xác định rất rõ: “Nhà nước là đại diện quyền làm chủ của nhân dân, đồng thời là người tổ chức thực hiện đường lối chính trị của Đảng. Mọi đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước đều phản ánh lợi ích của đại đa số nhân dân. Nhân dân không chỉ có quyền mà còn có trách nhiệm tham gia hoạch định và thi hành các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của nhà nước” [1; tr.44].
- Hai là, dân chủ trong lĩnh vực kinh tế
Theo quan điểm của V.I. Lênin “chính trị là biểu hiện tập trung của kinh tế”, dân chủ trong lĩnh vực chính trị phải lấy dân chủ trong lĩnh vực kinh tế làm cơ sở. Chính vì vậy, dân chủ trong lĩnh vực kinh tế có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện dân chủ. Dân chủ trong lĩnh vực kinh tế được biểu hiện ở ba nội dung cơ bản: dân chủ về về sở hữu tư liệu sản xuất, tổ chức và quản lý sản xuất phân phối sản phẩm lao động.
Từ thực tiễn Việt Nam quá độ lên chủ nghĩa xã hội bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa từ một nước nông nghiệp lạc hậu nên Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định Việt Nam cần phải xây dựng chế độ dân chủ mới, với một nền kinh tế nhiều thành phần (5 loại hình kinh tế): Kinh tế quốc doanh (thuộc chủ nghĩa xã hội, vì nó là của chung của nhân dân); Các hợp tác xã (nó là nửa chủ nghĩa xã hội, và sẽ tiến đến chủ nghĩa xã hội); Kinh tế của cá nhân, nông dân và thủ công nghệ (có thể tiến dần vào hợp tác xã, tức là nửa chủ nghĩa xã hội); Tư bản của tư nhân; Tư bản của nhà nước (như Nhà nước hùn vốn với tư bản tư nhân để kinh doanh)” [7; tr.294]. Đồng thời, phải tạo lập những hình thức sở hữu dân chủ ở nước ta, đó là: “Sở hữu của Nhà nước, sở hữu của hợp tác xã tức, sở hữu của những người lao động riêng lẻ và một ít tư liệu sản xuất thuộc sở hữu của nhà tư bản” [10; tr.372].
Điều 11 Hiến pháp nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa (năm 1959) khẳng định: “Ở nước Việt Nam dân chủ cộng hoà trong thời kỳ quá độ, các hình thức sở hữu chủ yếu về tư liệu sản xuất hiện nay là: hình thức sở hữu của Nhà nước tức là của toàn dân, hình thức sở hữu của hợp tác xã tức là hình thức sở hữu tập thể của nhân dân lao động, hình thức sở hữu của người lao động riêng lẻ, và hình thức sở hữu của nhà tư sản dân tộc” [2; tr.29]. Việc xác định các thành phần kinh tế và các hình thức sở hữu được thể hiện trong Hiến pháp Việt Nam năm 1959 là sự thể hiện nhất quán tư tưởng dân chủ kinh tế của Hồ Chí Minh, là sự kế thừaphát triển những tư tưởng dân chủ kinh tế quan trọng trong Hiến pháp 1946 - bản Hiến pháp đầu tiên và đi vào lịch sử thể chế ở nước ta do Người đích thân tổ chức chỉ đạo việc soạn thảo.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về dân chủ trong kinh tế còn được thể hiện trong việc tổ chức và quản lý sản xuất. Tư tưởng này của Người thể hiện trước hết ở việc hình thành một cơ cấu kinh tế hợp lý nhằm tạo nên sự phát triển cân đối giữa các ngành kinh tế (công nghiệp, nông nghiệp và thương nghiệp); giữa các vùng kinh tế (thành thị - nông thôn, miền xuôi - miền núi, vùng tự do, vùng địch tạm chiếm). Một cơ cấu kinh tế hợp lý sẽ tạo cơ sở nền tảng vững chắc để thực hiện công bằng, bình đẳng và ổn định xã hội, phát triển bền vững.
Quyền làm chủ của nhân dân trong quá trình sản xuất còn được thể hiện ở vai trò chủ thể của người lao động trong tổ chức và quản lý sản xuất. Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Vai trò của công nhân tham gia quản lý, đó là biểu hiện quyền làm chủ tập thể của công nhân, viên chức trong mọi hoạt động của xí nghiệp” [13; tr.683]. Người còn nhấn mạnh: “muốn thực hiện đúng vai trò làm chủ, giai cấp công nhân phải quản lý tốt kinh tế, quản lý tốt xí nghiệp, làm cho năng suất lao động không ngừng nâng cao, của cải xã hội ngày càng nhiều với phẩm chất tốt, giá thành hạ” [13; tr.678]. Biểu hiện quyền làm chủ trong sản xuất là sự tham gia của nhân dân vào quản lý và xây dựng kế hoạch. Hồ Chí Minh nói rõ: “quản lý phải dân chủ”, xây dựng kế hoạch “không định theo cách quan liêu, mà phải liên hệ chặt chẽ với tình hình kinh tế, với nguồn của cải, với sự tính toán rõ rệt sức hậu bị của ta” [6; tr.365]. Trong xây dựng và thực thi kế hoạch phải bàn bạc dân chủ và phải tính toán cho công bằng, hợp lý” [10, tr.538]. Trong quản lý phải “dân chủ, công bằng, minh bạch”, “phải chí công vô tư, tài chính phải công khai” [12; tr.341].
Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ chú ý đến dân chủ trong sở hữu tư liệu sản xuất, tổ chức và quản lý sản xuất, mà Người còn dành sự quan tâm đặc biệt đến việc thực hiện công bằng trong phân phối sản phẩm lao động. “Phân phối phải theo mức lao động. Lao động nhiều thì được phân phối nhiều, lao động ít thì được phân phối ít” [12; tr.216], nếu không phân phối cho công bằng hợp lý thì sẽ rơi vào chủ nghĩa bình quân. Chủ nghĩa bình quân sẽ làm “thui chột” sự hăng hái, nhiệt tình và khả năng sáng tạo của nhân dân. Chính vì vậy, Hồ Chí Minh nói rõ quan điểm của mình về phân phối sản phẩm xã hội: “Không sợ thiếu, chỉ sợ không công bằng” [13; tr.224].
Tóm lại, tư tưởng Hồ Chí Minh về dân chủ trong lĩnh vực kinh tế chứa đựng nhiều nội dung phong phú, luôn hướng đến việc phát huy vai trò và quyền làm chủ của nhân dân trong kinh tế, trong hoạt động sản xuất - kinh doanh. Trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta, quyền làm chủ đó được thể hiện ở quyền làm chủ của nhân dân đối với tư liệu sản xuất, trong quản lý kinh tế và trong lĩnh vực phân phối sản phẩm lao động nhằm phát huy mọi năng lực của người dân trong công việc xây dựng và phát triển kinh tế.
- Ba là, dân chủ trong lĩnh vực văn hóa - xã hội
Trong tư tưởng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định rằng: “Văn hóa phụng sự nhân dân, lấy hạnh phúc của nhân dân, của dân tộc làm cơ sở”, “nhân dân có quyền sáng tác và thụ hưởng thành quả của mình”. Theo đó, văn hóa phải trở về với sinh hoạt thực tại của con người; phải miêu tả cho hay, cho thật, cho hùng hồn. Để làm được điều đó, phải có cách viết phù hợp với trình độ đa số của đồng bào. Người luôn nhắc nhở giáo dục, tuyên truyền, viết báo hay hoạt động nào khác phải căn cứ vào “trình độ văn hoá, thói quen sinh hoạt, trình độ giác ngộ, kinh nghiệm tranh đấu, lòng ham, ý muốn, tình hình thiết thực của quần chúng” [4; tr.288].
Để văn hóa thực sự phục vụ quần chúng nhân dân, ngoài việc đi vào quần chúng cổ động, biểu dương sự nghiệp cách mạng của nhân dân, đánh giá đúng nhân dân vì “chỉ có nhân dân mới nuôi dưỡng cho sáng tác của nhà văn bằng những nguồn nhựa sống”. Quần chúng nhân dân không chỉ là người sáng tạo ra của cải vật chất còn là sáng tác nữa, tục ngữ, ca dao, hò vè là những “hòn ngọc quý”, vừa rất hay lại rất ngắn chứ không “trường thiên đại hải, dây cà ra dây muống”. Với tinh thần đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Cách làm việc, cách tổ chức, nói chuyện, tuyên truyền, khẩu hiệu, viết báo của chúng ta đều phải lấy câu này làm khuôn phép: Từ trong quần chúng ra. Về sâu trong quần chúng” [4; tr.288].
Bên cạnh đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định nhân dân là chủ thể sáng tạo ra các tác phẩm văn hóa nghệ thuật và nhân dân có quyền thụ hưởng thành quả của mình. Phát huy dân chủ trong văn hóa nghệ thuật theo Hồ Chí Minh là phải lấy dân để khai thác, hình thành các tác phẩm đồng thời phải phục vụ nhân dân. Nhân dân có quyền đánh giá các tác phẩm văn học nghệ thuật cũng như có quyền thụ hưởng giá trị của các tác phẩm đó. Quan điểm đó thể hiện rõ tính dân chủ của tư tưởng Hồ Chí Minh trong hoạt động văn hóa - xã hội.
- Bốn là, dân chủ trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo
Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định rằng xây dựng một nền giáo dục mới trong xã hội dân chủ mới thì mọi người Việt Nam đều phải được giáo dục, phải có kiến thức để tham gia vào công cuộc kiến thiết nước nhà. Người rất quan tâm đến thế hệ trẻ, đặc biệt là thiếu niên và nhi đồng, vì đó là trụ cột của nước nhà. Đào tạo thế hệ trẻ là đào tạo thế hệ tương lai cho Tổ quốc. Trong Lời kêu gọi chống nạn thất học (10/1945), Người đã nói: “Mọi người Việt Nam phải hiểu hết quyền lợi của mình, bổn phận của mình, phải có kiến thức mới để có thể tham gia vào công cuộc xây dựng nước nhà và trước hết phải biết đọc, biết viết chữ quốc ngữ” [3; tr.40]. Tư tưởng này của Chủ tịch Hồ Chí Minh phù hợp với Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền đã được Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc thông qua và công bố vào ngày 10/12/1948. Điều 1 của Tuyên ngôn ghi rõ: “Mọi người sinh ra đều được tự do và bình đẳng về nhân phẩm và quyền” và Điều 26: “Mọi người đều có quyền được giáo dục. Giáo dục phải được miễn phí, ít nhất là ở bậc tiểu học và căn bản. Giáo dục tiểu học phải bắt buộc. Giáo dục kỹ thuật và chuyên nghiệp phải được mở rộng và giáo dục đại học phải được mở rộng bình đẳng cho mọi người, trên căn bản tài năng xứng đáng”.
Hồ Chí Minh không chỉ khẳng định giá trị dân chủ và bình đẳng cho mọi công dân của một nước Việt Nam độc lập, mà còn chú trọng pháp điển hoá quyền bình đẳng ấy. Trong Hiến pháp nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà (1946) do Chủ tịch Hồ Chí Minh soạn thảo, Điều thứ 6 và 7 ghi rõ: “Tất cả công dân Việt Nam đều ngang quyền về mọi phương diện: chính trị, kinh tế, văn hoá”, “Tất cả công dân Việt Nam đều bình đẳng trước pháp luật, đều được tham gia chính quyền và công cuộc kiến quốc tuỳ theo tài năng và đức hạnh của mình”. Người còn lưu ý rằng: “Ngoài sự bình đẳng về quyền lợi, những quốc dân thiểu số được giúp đỡ về mọi phương diện để chóng tiến kịp trình độ chung” (Điều thứ 8).
Dân chủ trong giáo dục trong tư tưởng Hồ Chí Minh còn được thể hiện ở việc đảm bảo quyền bình đẳng nam nữ trong giáo dục và đào tạo. Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến vị trí và vai trò của người phụ nữ, Người khẳng định: “Non sông gấm vóc Việt Nam, do phụ nữ ta trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ” [6; tr.340], “nếu không giải phóng phụ nữ thì không giải phóng một nửa loài người”, “nếu không giải phóng phụ nữ là xây dựng chủ nghĩa xã hội chỉ một nửa” [11; tr.300]. Tuy nhiên, khi nhận thấy giáo dục nước nhà chưa thật sự quan tâm đến người phụ nữ, Chủ tịch Hồ Chí Minh kiểm điểm: “trong giáo dục, y tế, các ngành khác, số phụ nữ đều thấp”, vì vậy“giáo dục phải cố gắng để phụ nữ nhiều hơn” [9; tr.344]. Trong bài Nói chuyện tại Đại hội giáo dục phổ thông toàn quốc (3/1956), Người nhắc nhở: “công tác giáo dục phần nhiều phải do phụ nữ đảm nhiệm. Muốn phụ nữ đảm nhiệm, thì phải bồi dưỡng cho phụ nữ” [9; tr.289]. Người luôn động viên, khuyến khích chị em chịu khó học tập để có khả năng làm chủ đất nước, đảm nhiệm những công việc như nam giới. Trong xã hội mới “phụ nữ lại càng cần phải học, đã lâu chị em bị kìm hãm. Đây là lúc các chị em phải cố gắng để kịp nam giới, để xứng đáng mình là một phần tử trong nước, có quyền bầu và ứng cử” [3; tr.41].
Tư tưởng “nam nữ bình quyền” của Hồ Chí Minh được ghi trong Chánh cương vắn tắt của Đảng và sớm được thể chế hoá trong Điều thứ 9 của bản Hiến pháp năm 1946, Hiến pháp ghi: “Đàn bà ngang quyền với đàn ông về mọi phương diện”. Hiến pháp nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà (1959), tiếp tục khẳng định: “Công dân nước Việt Nam dân chủ cộng hoà đều bình đẳng trước pháp luật” (Điều 22), “Công dân nước Việt Nam dân chủ cộng hoà có quyền học tập. Nhà nước thực hiện từng bước chế độ giáo dục cưỡng bách, phát triển dần các trường học và cơ quan văn hoá, phát triển các hình thức giáo dục bổ túc văn hoá, kỹ thuật, nghiệp vụ, tại các cơ quan, xí nghiệp và các tổ chức khác ở thành thị và nông thôn, để bảo đảm cho công dân được hưởng quyền đó” (Điều 33).
Thông qua hai bản Hiến pháp của nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà năm 1946 và 1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định quyền bình đẳng của mọi công dân Việt Nam trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là giáo dục và đào tạo. Đó là biểu hiện của một nền dân chủ thực sự - dân chủ xã hội chủ nghĩa.
Trên cơ sở tiếp thu quan điểm cách mạng là sự nghiệp của quần chúng của chủ nghĩa Mác - Lênin, Hồ Chí Minh khẳng định rằng giáo dục và đào tạo là sự nghiệp, trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, của mỗi gia đình, nhà trường và các lực lượng xã hội. Mỗi thành phần trong lực lượng đó đều có vai trò, vị trí quan trọng khác nhau nhưng cần có sự hợp lực, thống nhất trong quá trình giáo dục và đào tạo thế hệ trẻ. Người đặc biệt nhấn mạnh phát huy mối liên hệ mật thiết giữa nhà trường - gia đình - xã hội trong giáo dục và đào tạo. Điều này được thể hiện trong bài nói của Người tại Hội nghị cán bộ Đảng ngành giáo dục (6/1957): “Giáo dục trong nhà trường dù tốt mấy nhưng thiếu giáo dục trong gia đình và ngoài xã hội thì kết quả cũng không thu được hoàn toàn” [9; tr.591]. Trong Thư gửi cán bộ, thầy giáo, cô giáo, học sinh nhân dịp khai giảng năm học mới, Người khẳng định: “Giáo dục là sự nghiệp của quần chúng, cần phải phát huy đầy đủ dân chủ xã hội chủ nghĩa… Do đó các ngành, các cấp Đảng và chính quyền địa phương phải thật sự quan tâm hơn nữa đến sự nghiệp này, phải chăm sóc nhà trường về mọi mặt, đẩy mạnh sự nghiệp giáo dục của ta lên những bước phát triển mới” [13; tr.508]. Người còn lưu ý rằng: “trường học, gia đình và đoàn thể thanh niên phải liên hệ chặt chẽ trong giáo dục thanh niên” [8; tr.266].
Quan điểm trên thể hiện tầm nhìn chiến lược của chủ tịch Hồ Chí Minh trong việc phát huy quyền làm chủ của nhân dân, của Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị xã hội đối với sự nghiệp giáo dục và đào tạo. Chính sự thành công trong giáo dục và đào tạo là điều kiện vững chắc đảm bảo xây dựng một nền dân chủ mới, gấp triệu lần dân chủ tư sản.
3. Tư tưởng dân chủ Hồ Chí Minh trong xây dựng xã hội mới là một trong những đóng góp to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với cách mạng Việt Nam và cách mạng thế giới. Đó là sản phẩm kết tinh từ quá trình nghiên cứu lý luận và khảo sát thực tiễn cách mạng Việt Nam và thế giới; được hoàn thiện trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo trong thực tiễn Việt Nam qua hai cuộc cách mạng dân tộc dân chủ và cách mạng xã hội chủ nghĩa. Hồ Chí Minh đã đưa ra hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về các vấn đề dân chủ và thực hành dân chủ. Những kiến giải sáng tạo của Người, có ý nghĩa soi đường cho cách mạng Việt Nam, cho Đảng ta trong việc phát huy hơn nữa dân chủ trong thời kỳ hội nhập và phát triển.
Từ quan điểm của Hồ Chí Minh dân chủ là một trong những thước đo của sự phát triển và tiến bộ xã hội, Đảng và Nhà nước ta hết sức quan tâm đến vấn đề dân chủ và thực hành dân chủ, nhiều chủ trương, chính sách để tổ chức thực hiện quy chế dân chủ trong đời sống xã hội được thực thi và đạt kết quả khả qua. Vận dụng tư tưởng dân chủ của Hồ Chí Minh vào việc phát huy dân chủ ở cơ sở ở nước ta có ý nghĩa lý luận và thực tiễn to lớn, góp phần trực tiếp vào việc nâng cao ý thức dân chủ, năng lực thực hành dân chủ của cán bộ đảng viên và quần chúng nhân dân ngay từ cơ sở. Đảm bảo dân chủ và phát huy quyền làm chủ của nhân dân sẽ tạo ra sức mạnh to lớn để đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng, bằng cách đó, xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa thực sự của dân, do dân, vì dân.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về dân chủ là vấn đề có tính thời sự, chứa đựng nhiều giá trị, bài học kinh nghiệm quý báu. Đó là những chỉ dẫn quan trọng để Đảng, Nhà nước, nhân dân ta tiếp tục nghiên cứu làm rõ, hướng đến xây dựng một xã hội mới dân chủ, công bằng, tiến bộ, văn minh.


TÀI LIỆU THAM KHẢO
         
[1] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2006.
[2] Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1946, 1959, 1980, 1992, Nxb Thống Kê, Hà Nội, 2007.
[3] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 4, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011.
[4] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 5, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011.
[5] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 6, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011.
[6] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 7, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011.
[7] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 8, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011.
[8] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 9, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011.
[9] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 10, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011.
[10] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 11, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011.
[11] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 12, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011.
[12] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 13, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011.
[13] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 15, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011.

(Bài báo đã đăng tại Tạp chí Khoa học Đại học Huế, số 3, 2015)

Không có nhận xét nào:

Tìm kiếm Blog này