Tóm
tắt: Thừa
Thiên Huế là một trong những vùng đất góp phần quan trọng cho hình thành
nhân cách, tư tưởng yêu nước và khát vọng giải phóng dân tộc, giải phóng đồng
bào của người thanh niên ưu tú Nguyễn Tất Thành. Bài báo tập trung luận giải những
ảnh hưởng của văn hóa Huế đến sự hình thành tư tưởng yêu nước Hồ Chí Minh trong
thời kỳ ở Huế.
1.
ĐẶT VẤN ĐỀ
Thừa Thiên Huế những năm
cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX có nhiều biến đổi vô cùng sâu sắc, Trung kỳ trở
thành xứ bảo hộ thuộc Pháp. Cũng vào khoảng thời gian này, Nguyễn Tất Thành đã
theo cha vào Kinh học tập và khám phá những giá trị mới. Tại đây, đời sống văn hóa - chính trị đã tác động mạnh mẽ đến Nguyễn Tất Thành, và bằng
sự mẫn cảm của người học trò thông minh, sự khát khao học hỏi, chiếm lĩnh tri
thức mới và tâm hồn của một thanh niên yêu nước, Người đã thâu nhận những giá
trị của văn hóa Huế, tiếp nhận những tinh hoa văn hóa của dân tộc và nhân loại. Những giá trị của văn hóa và con
người xứ Huế thực sự tác động mạnh mẽ đến sự hình thành, phát triển nhân cách
và tư tưởng yêu nước của người thanh niên ưu tú Nguyễn Tất Thành.
2.
MỘT SỐ GIÁ TRỊ TIÊU BIỂU CỦA VĂN HÓA HUẾ
Từ nhiều góc độ khác
nhau, các nhà nghiên cứu Huế đã cắt nghĩa văn hóa Huế theo nội hàm và ý nghĩa
riêng. Dưới góc độ giá trị, văn hóa Huế là tổng hòa các giá trị vật chất và
tinh thần, truyền thống, thị hiếu và phong cách sống; được tạo nên từ quá trình
hoạt động thực tiễn, trong sự tương tác giữa con người với môi trường tự nhiên
và xã hội; khẳng định bản sắc riêng của vùng đất và con người Thuận Hóa - Phú
Xuân - Huế. Trải qua quá trình hoạt động thực tiễn lịch sử - xã hội, đấu tranh
với các thế lực ngoại xâm cũng như giao lưu, tiếp biến văn hóa, Thừa Thiên Huế
là đã định hình và hun đúc nên những giá trị văn hóa vừa mang sắc thái văn hóa
chung của Việt Nam, nhưng cũng có những nét riêng độc đáo của văn hóa vùng miền.
2.2.1.
Truyền thống yêu nước, tự tôn dân tộc
Trong quá trình xây dựng
và phát triển của vùng đất Thừa Thiên Huế, truyền thoongd yêu nước là nét văn
hóa đặc sắc nhất trong chuỗi giá trị tinh thần của văn hóa Huế. Những
năm đấu tranh chống lại âm mưu đồng hóa của các thế lực phương Bắc, chống ách
áp bức bóc lột của bè lũ thực dân đã hun đúc cho lớp lớp người Huế tinh thần
yêu nước, lòng tự hào tự tôn dân tộc vô cùng sâu sắc. Tinh
thần đó được thể hiện rõ nhất khi thực dân Pháp áp đặt ách cai trị lên toàn
lãnh thổ Việt Nam, đặc biệt là khi triều đình nhà Nguyễn ký hòa ước đầu hàng
thực dân Pháp. Bên cạnh những vua quan cam chịu làm tay sai vẫn còn có những
bậc minh quân, các trung thần, đấng trượng phu có tinh thần dân tộc, đứng lên
lãnh đạo các cuộc đấu tranh, tiêu biểu như vua Hàm Nghi, Thành Thái, Duy Tân
với các trung thần như Nguyễn Tri Phương, Tôn Thất Thuyết và những người Việt Nam tâm
huyết muốn canh tân để tạo thực lực, đẩy mạnh tự cường đưa đất nước thoát khỏi
nạn ngoại xâm. Đến đầu thế kỷ XX, sự thất bại
xu hướng cứu nước theo ý thức hệ phong kiến đã mở đường cho những xu hướng cứu
nước mới. Sự du nhập những tài liệu Tân văn, Tân thư, các ấn phẩm yêu nước, tư
tưởng cải cách đã “lột xác” phong trào yêu nước trong cả nước, đất Thừa Thiên
Huế dấy lên phong trào đòi cải cách thông qua nhiều hình thức vận động, diễn
thuyết, cắt tóc ngắn, mặc âu phục… Sự giác ngộ và ý thức tự tôn dân tộc của thanh
niên, học sinh, những nhà giáo, chí sĩ yêu nước đã được khơi dậy, làn sóng đấu
tranh chống thực dân lan nhanh và ngày càng quyết liệt hơn, điển hình là phong
trào chống thuế ở Trung kỳ vào năm 1908.
2.2.2. Truyền thống đoàn kết, cộng
đồng, tương thân tương ái
Lối
sống cộng đồng, đoàn kết là một trong những đặc trưng của văn hóa tinh thần xứ
Huế, đó là sản phẩm của ruộng đất công làng xã, là kết tinh của sự đấu tranh trong
điều kiện sinh thái vô cùng khắc nghiệt. Chính đặc điểm hình thái khí hậu nhiệt
đới và địa hình dốc cùng với lượng mưa lớn nên ngay từ rất sớm, người Huế đã
đoàn kết, gắn bó và thương yêu nhau hơn trong sản xuất nông nghiệp, cũng như
trong quá trình xây dựng và phát triển vùng đất này.
Trong quá trình đấu tranh
với các thế lực ngoại bang, đặc biệt là quá trình “hỗn dung”, giao thoa văn hóa
Việt - Chăm; tiếp biến văn hóa Trung - Ấn; tiếp nhận văn hóa phương Tây đã hình
thành cho người Huế tinh thần đoàn kết cộng đồng, tự tôn dân tộc và tự tôn văn
hóa trước âm mưu đồng hóa của kẻ thù. Thực tiễn đấu tranh chống ngoại xâm đã vun
đắp tinh thần đoàn kết, lối sống tình nghĩa, thương yêu, đùm bọc nhau trong khó
khăn, hoạn nạn của con người xứ Huế. Chính gia đình Nguyễn Tất Thành đã thấm đượm
giá trị nhân văn cao quý này khi cụ Sắc, vợ và các con được cưu mang và giúp đỡ
trong thời kỳ ông ứng thí ở Kinh đô Huế, đặc biệt là lúc thân mẫu của Nguyễn Sinh
Cung qua đời.
2.2.3. Truyền thống hiếu học,
đề cao lễ giáo
Thừa Thiên Huế là một
vùng đất văn hóa điển hình của Việt Nam còn lưu giữ những giá trị có tính chuẩn
mực như truyền thống hiếu học, đề cao lễ giáo, giữ gìn tôn ti trật tự trong gia
đình và xã hội… Lịch sử đã ghi nhận Thừa Thiên Huế là “vùng đất học” bởi không
chỉ vì nơi đây từng là trung tâm văn hóa lớn của cả nước - nơi hội tụ của các bậc
chí nhân, hào kiệt; nơi của những trường học và nền giáo dục mới (trường Quốc Học,
Quốc Sử quán…) mà còn là kết quả của truyền thống trọng văn hóa, lễ giáo, tiết
nghĩa, hiếu học, tôn sư trọng đạo trong mỗi gia đình và con người xứ Huế. Sách Đại Nam nhất thống chí viết Huế là vùng
đất học có truyền thống “dân thứ siêng cấy”, “sĩ phu chăm học hành” [7, tr.116]. Chính lối sống trọng nghĩa
trọng tình, đề cao lễ giáo văn hóa cùng với nhân cách cao đẹp của các chí nhân
hào kiệt xứ Huế đã khắc sâu vào tâm khảm của biết bao thế hệ, hình thành những
con người với nhân cách cao đẹp đã làm rạng danh dân tộc, mà điển hình nhất là
Hồ Chí Minh.
Giá trị của văn hóa Huế
còn được biểu hiện qua phong cách sống của
người Huế. Phong cách ấy được hình thành và bồi đắp từ nghệ thuật sống, cung
cách ứng xử của nhiều thế hệ người Huế. Qua biết bao thăng trầm của lịch sử,
con người xứ Huế vẫn còn bảo lưu được nét mộc mạc, chân chất trong lối sống, sự
tinh tế, lịch thiệp, hòa nhã trong giao tiếp ứng xử nhưng lại rất mạnh mẽ, kiên
trong trong đấu tranh chống ngoại xâm. Trải qua thời gian và sự vận động không
ngừng của cuộc sống, vốn quý ấy luôn luôn được chắt lọc, bổ sung và lắng lại
thành những tinh hoa làm nên bản sắc văn hóa Huế, đó chính là phần cốt lõi nhất
của truyền thống văn hóa Huế. Chính Chủ tịch
Hồ Chí Minh sau này bên cạnh tính rắn rỏi đậm chất Nghệ Tĩnh thì cũng rất uyên
thâm, tế nhị và lịch lãm đậm nét xứ Huế. Văn hóa Huế cùng với văn hóa xứ Nghệ
thực sự ngấm sâu vào tâm thức, chi phối suy nghĩ và hành động của Người.
3.
ẢNH HƯỞNG CỦA TRUYỀN THỐNG VĂN HÓA HUẾ ĐẾN SỰ HÌNH THÀNH TƯ TƯỞNG YÊU NƯỚC HỒ CHÍ
MINH
3.1. Khơi dậy lòng yêu nước, căm thù thực dân và phong kiến
tay sai
Những năm cuối thế kỷ XIX
đầu thế kỷ XX, đời sống chính trị của triều Nguyễn vô cùng ngột ngạt, xã hội Huế
là cao điểm của những diễn biến chính trị và mâu thuẫn xã hội. Ngay tại Kinh
đô, triều đình phong kiến nhà Nguyễn vẫn tồn tại nhưng hoàn toàn mất hết thực
quyền. Đánh giá về thái độ bạc nhược của triều đình phong kiến, Chủ tịch Hồ Chí
Minh sau này có viết: “Cuối thế kỷ XIX chủ nghĩa đế quốc Pháp xâm lược Việt
Nam. Bọn vua quan và phong kiến hèn nhát đầu hàng và cấu kết với bọn đế quốc tiếp
tục nô dịch nhân dân Việt Nam nhiều hơn, khiến nhân dân Việt Nam khổ cực rên xiết”
[6, tr.313-314].
Đến Huế từ cuối năm 1895, Nguyễn Sinh Cung cùng anh theo
cha mẹ sống ở một gian trại lính ở Viện đô sát ngay trong Kinh thành Huế. Nơi
đây còn lưu giữ những “chứng cứ” của sự biến “Thất thủ Kinh đô”. Sống trong
Kinh thành, biến động lịch sử của đất nước từ có chủ quyền trở thành thuộc địa, nỗi
nhục mất nước, mất mát, tang thương cùng với âm hưởng thống thiết của các bài
văn tế đã để lại những dấu ấn khó phai trong người thiếu niên mẫn cảm ấy. Sau
này, khi ông cả Khiêm thăm cụ Phan Bội Châu đang bị quản thúc ở dốc Bến Ngự đã
thuật lại:
Không phải đến tuổi trưởng
thành ra ngoại quốc em tôi mới ái quốc, mà từ khi đầu còn để trái đào đi chơi
nghe người ta hô câu vè: “Nay mà mắc phải lâm nguy, Sự tình nông nổi cũng vì giặc
Tây”, về nhà nó thương nước, trằn trọc không ngủ được. Sáng dậy, em bắt mẹ tôi
kể chuyện giặc Tây dương và ngày Kinh thành thất thủ,…, em tôi ngồi tai nghe,
chau mày nghĩ ngợi [10, tr.62].
Ngoài
ra, thực dân Pháp thi hành chính sách giáo dục cực kỳ phản động - một nền giáo giáo dục ngu dân. Mặc dù mang danh “giáo dục cải cách” để
“khai hóa văn minh” cho người An Nam, nhưng kỳ thực thực dân Pháp phong tỏa,
không cho nhân dân Việt Nam tiếp xúc với thế giới bên ngoài, kể cả việc xem
sách báo. Thực dân Pháp nhồi nhét cho lớp lớp học sinh người Việt những “giá trị
ảo”, những “lý lẽ ngọt ngào” của nền “văn minh khai hóa”, giáo dục cho học sinh
người Việt “lòng biết ơn”, “lòng trung thành”, “tận tụy” với nước Pháp, xuyên tạc
lịch sử, truyền thống dân tộc Việt Nam. Trường học lập ra không phải để giáo dục
cho thanh niên Việt Nam một nền học vấn tốt đẹp và chân thực, mở mang trí tuệ
và phát triển tư tưởng, mà trái lại càng làm cho họ bị đầu độc thêm. Trường học
được lập nên chỉ để “đào tạo tùy phái, thông ngôn và viên chức nhỏ đủ số cần
thiết phục vụ cho bọn xâm lược - người ta đã gieo rắc một nền giáo dục đồi bại
xảo trá và nguy hiểm hơn sự dốt nát nữa” [5, tr.399].
Trong thời kỳ thứ hai đến
Huế (1906-1909), Nguyễn Tất Thành được cha cho theo học trường Quốc Học Huế.
Bên cạnh những thầy giáo có tinh thần dân tộc, Thành còn tiếp xúc với những thầy
giáo mang tâm địa thực dân, những bài giảng “nhồi sọ”. Chúng lăng mạ, gán
ép những từ thô tục như “cochon”, “sale race” cho học sinh người Việt, chà đạp
lên phẩm giá con người, sỉ nhục dân tộc và giống nòi Việt Nam. Chính hành động
“phi văn hóa” của nền giáo dục mà thực dân Pháp gọi là “khai hóa”, đã ảnh hưởng
mạnh mẽ đến lớp lớp học sinh người Việt, khơi dậy trong họ tinh thần dân tộc,
không cam chịu “nhận người Gaulois làm tổ tiên”. Nguyễn Tất Thành không muốn bản
thân mình và dân tộc mình bị đánh lừa mãi bởi những từ trống rỗng, bởi những dối
trá về văn hóa, văn minh. Do vậy, khi các trào lưu yêu nước ở Thừa Thiên Huế
dâng cao, tinh thần dân tộc và lòng yêu nước thiết tha của Nguyễn Tất Thành có
dịp bùng phát.
3.2. Thúc đẩy sự hình thành tư tưởng yêu nước, thương dân
Hệ quả từ những chính
sách cai trị hà khắc mà thực dân Pháp gây ra là cuộc sống lầm than cơ cực của
nhân dân Thừa Thiên Huế. Thực cảnh đó sớm tác động đến Nguyễn Sinh Cung và hình
thành trong Anh lòng yêu nước, thương dân vô cùng sâu sắc.
Sau
khi thực dân Pháp đàn áp cuộc khởi nghĩa Hương Khê (1896), quyền quản lý kinh tế
- tài chính của triều đình nhà Nguyễn hoàn toàn bị tước bỏ, thực dân Pháp “cướp
hết những ruộng đất màu mỡ, đánh vào những ruộng đất cằn cỗi những thứ thuế vô
lý gấp trăm lần thuế đất thời phong kiến” [5,
tr.75]. Thuế điền mỗi mẫu từ 1 đồng tăng dần lên 1,5 đồng (lúc bấy giờ 1 đồng bạc
Đông Dương tương đường 1 tạ thóc), thuế đinh (thuế bổ vào nam giới từ 18 tuổi
trở lên) tăng từ 0,2 đồng lên 2,5 đồng mỗi người (tăng gấp 12 lần),v.v... Đau
khổ trước nạn cướp bóc do thuế khóa thực dân, Phan Bội Châu trong Hải ngoại huyết thư viết:
“Trăm thứ thuế, thuế gì
cũng ngặt,
Rút chặt dần như thắt chỉ
xe,
Miền kẻ chợ, phía nhà
quê,
Của đi có lối, của về thì
không” [8, tr.78].
Không
những vậy, nhân dân Thừa Thiên Huế còn phải nai lưng làm phu đài tạp dịch như
đào sông, đắp đường, phá rừng hoặc làm công sở cho thực dân Pháp. Ai lắm tiền
thì thuê người hoặc đút lót cho hương chức để trốn tránh, người nghèo thì phải
đi phu quanh năm suốt tháng, kẻ khổ sở nhất vẫn là dân cùng đinh. Phẫn uất với
chính sách cai trị hà khắc của thực dân Pháp, chí sĩ Phan Châu Trinh trong Thư gửi Toàn quyền Beau năm 1906 đã kịch
liệt lên án: “Cái tệ sưu dịch không thể nói hết được, mỗi dân đinh một năm đóng
thuế thân rồi phải mất 4 ngày công ích, 10 ngày công sưu,… người nọ đi, người
kia về, nối gót nhau trên đường không ngày nào yên cả” [1, tr.20]. Sự cùng khổ của nhân
dân Thừa Thiên sau này cũng được Bác kể lại: “Nhiều phụ nữ bản xứ thống khổ, phải
mang nặng gông xiềng đi quét đường chỉ vì một tội là không nộp nổi thuế”, “Tất
cả mọi điều mà người ta có thể nói ra vẫn còn ở dưới mức sự thật. Chưa có bao
giờ, ở một nước nào mà người ta lại vi phạm mọi quyền làm người một cách dã
man, độc ác, trắng trợn như thế!” [5,
tr.443-444]. Chứng kiến đời sống cùng cực của nhân dân Thừa Thiên Huế,
Nguyễn Tất Thành nhận thức nguyên nhân của sự thống khổ của đồng bào không chỉ
do thực dân mà còn do vua quan bán nước; thấy được rằng phải đấu tranh để đồng
bào mình bớt khổ; phải giành lấy cơm no, áo ấm, được học hành cho nhân dân; phải
đấu tranh để nhân dân có quyền tự do, dân chủ. Quả đúng vậy, khi còn là người thiếu niên mười lăm tuổi. Người thiếu
niên ấy đã sớm hiểu biết và rất đau xót trước cảnh thống khổ của đồng báo. Lúc
bấy giờ, Anh đã có chí đuổi thực dân Pháp, giải phóng đồng bào.
3.3. Bồi dưỡng nhân
cách và lý tưởng cách mạng
Nhân
cách và lý tưởng cách mạng của Nguyễn Tất Thành là kết quả của sự hun đúc từ những
giá trị văn hóa cao đẹp của dân tộc Việt Nam, của quê hương xứ Nghệ và văn hóa
xứ Huế; được tôi luyện qua thực tiễn học tập, rèn luyện và đấu tranh không ngừng
nghỉ của Nguyễn Tất Thành. Ở Huế gần 10 năm, lớp lớp tấm gương trung liệt và chí hướng cách mạng của những con người có
tinh thần dân tộc như vua Thành Thái và Duy Tân; của những người thầy có yêu nước,
cũng như các giá trị văn hóa tinh thần xứ Huế đã hun đúc nhân cách cách mạng và
ý chí cứu nước của Nguyễn Tất Thành.
Trước
hết, tấm gương chí lớn về tinh thần dân tộc của con người xứ Huế, mà điển hình
nhất là vua Thành Thái và Duy Tân thực sự ảnh hưởng đến Nguyễn Tất Thành trong
việc kiên định lý tưởng, giữ vững nhân cách con người Việt Nam trước mưu đồ và
dã tâm xâm lược của thực dân Pháp. Vua Thành Thái và Duy Tân là những vị vua trẻ,
có tinh thần dân tộc, yêu nước và có nhiều dự kiến cải cách đưa nước nhà đến
giàu mạnh, nhân dân đến ấm no. Đối với Pháp, Thành Tháo và Duy Tân đều có tư tưởng
chống Pháp quyết liệt. Có tài liệu cho rằng Thành Thái đã giao cho họa sĩ Lê
Văn Miến vẽ các kiểu súng bộ binh để trang bị cho các đội nữ binh mưu một cuộc
cách mạng lớn. Hay Duy Tân - từ niên hiệu đến hành động đều tỏ thái độ bất hợp
tác với Pháp. Ông cho rằng: “nước bẩn thì phải tìm cách trừ khử những chất ngoại
lai lẫn lộn vào trong đó”, “phải tìm cách trừ khử chúng (thực dân Pháp) đi thì
dân mới có thể tiến lên ấm no giàu mạnh được” [4, tr.100]. Mặc dù trong cảnh “cá chậu chim lồng” nhưng những hành động yêu nước
thương dân, tinh thần dân tộc và chí lớn của vua Thành Thái và Duy Tân đã tác động
rất lớn đến Nguyễn Tất Thành. Sau này, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định lý tưởng
tiếp tục sự nghiệp bỏ dở của các vị tiền bối Hàm Nghi, Thành Thái, Duy Tân, là
để đánh đuổi thực dân Pháp để giành độc lập cho dân tộc, cho Tổ quốc.
Không
chỉ tiếp nhận tinh thần dân tộc và chí lớn của các vị vua trẻ tuổi, sự hình
thành và phát triển nhân cách của Nguyễn Tất Thành còn bắt nguồn từ tinh thần
yêu nước, nhân cách cao đẹp của những người thầy giáo chân chính khi được cha
cho vào học các trường Tiểu học Pháp - Việt Đông Ba và trường Quốc Học Huế, đó
là thầy Hoàng Thông và thầy Lê Văn Miến. Trong thời gian học
ở trường Pháp Việt - Đông Ba, Nguyễn Tất Thành không chỉ được học Hán văn với
thầy Hoàng Thông, mà còn được thầy chỉ dạy những bài học về cách cư xử, lối
sống, nhân phẩm và danh dự của một người Việt Nam mất nước. Thầy Hoàng Thông đã
soạn cuốn sách “Tự trị thượng sách”
để giáo dục thanh niên học sinh. Vin vào một câu trong cuốn sách “Nước dù bất
hạnh mà mất, không phải mất nước của một họ (Nguyễn) riêng mà thôi; cùng với
nước mất dân tộc bị diệt chủng” [2,
tr.52], chính quyền thực dân tống giam thầy ở lao Thừa phủ. Chính thầy là người
đã giới thiệu Nguyễn Tất Thành tham gia làm liên lạc cho phong trào Đông Du của
cụ Phan Bội Châu (1908). Thầy còn dạy cho Thành bài học về lòng thương yêu con
người, yêu dân tộc mình và “hãy để những giọt nước mắt ấy khóc cho dân, cho
nước”. Lời dạy của thầy giữa muôn vàn nguy khó của thời cuộc như ngọn đèn khai
tâm Nguyễn Tất Thành. Đó là bài học củng cố thêm ý chí đấu tranh cho đồng bào,
quê hương, đất nước; là động lực để Thành thực hiện chuyến hành trình tìm đường
cứu nước, giải phóng dân tộc.
Tháng 9 năm 1908, Nguyễn Tất Thành vào lớp Trung đẳng trường Quốc
Học Huế và được học với thầy Lê Văn Miến (1873-1943). Thầy
là một tấm gương yêu nước chân chính của một trí thức Tây học, với tài năng sư
phạm và nhân cách cao đẹp, thầy đã góp phần đào tạo rất nhiều thế hệ học sinh
“vừa hồng vừa chuyên” cho đất nước. Một trong những người học sinh đó, có lẽ
chính thầy Miến cũng không hề đoán định được, sau này trở thành người thầy và
lãnh tụ của cách mạng Việt Nam - Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thầy Lê Văn Miến là một
người tinh thông Hán học, thấm nhuần những giá trị văn hóa Pháp đã để lại nhiều
dấu ấn đặc biệt đối với Nguyễn Tất Thành. Việc dạy dỗ của thầy là một yếu tố
quan trọng trong việc hình thành tư tưởng sang phương Tây chứ không sang phương
Đông của Chủ tịch Hồ Chí Minh thời trẻ.
3.4. Hình thành chí hướng
cách mạng và con đường cứu nước cứu dân
Xã hội Thừa Thiên Huế những năm cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX dưới ách cai trị
của thực dân Pháp tồn tại quá nhiều áp bức bất công, những mâu thuẫn xã hội bùng
phát mạnh mẽ, và người thanh niên giàu nghĩa khí Nguyễn Tất Thành đã thụ cảm
truyền thống yêu nước, tự tôn dân tộc của nhân dân Thừa Thiên Huế và có chuyển
biến từ “nhận thức yêu nước” đến “hành động yêu nước”.
Trước
hết, chuỗi hành động yêu nước của phong trào Cần Vương đã ảnh hưởng sâu sắc đến
nhận thức và hành động của Nguyễn Tất Thành.
Phong trào Cần Vương, kéo
dài từ năm 1885
cho đến năm 1895,
là một bước ngoặt có ý nghĩa to lớn trong công cuộc kháng Pháp. Mặc dù nó thất bại một cách bi tráng nhưng đã mở ra một thời kỳ đánh
Pháp. Chính dư âm của phong trào Cần Vương và tấm gương trung liệt của các chí
sĩ yêu nước đã ảnh hưởng đến tâm hồn và khối óc Nguyễn Sinh Cung. Sự thất bại của
phong trào về sau đã giúp Anh nhận thấy các phong trào yêu nước theo ý thức hệ
phong kiến không có khả năng vạch ra giải pháp đấu tranh phù hợp với hoàn cảnh
lịch sử và xu thế phát triển của thời đại.
Bên cạnh
đó, tinh thần yêu nước và xu hướng cứu nước của các bậc sĩ phu, trí nhân hào kiệt
ở Huế cũng là những nhân tố quan trọng giúp Nguyễn Tất Thành đánh giá và lựa chọn
đúng con đường cứu nước, giải phóng dân tộc.
Năm 1906, Nguyễn Tất Thành theo cha vào Huế lần thứ hai. Lúc này, ở Thừa
Thiên Huế, các phong trào yêu nước lên cao như Phan Bội Châu với Duy Tân hội và
phong trào Đông Du do ông khởi xướng lan rộng trong giới sĩ phu và tầng lớp
thanh niên; phong trào Duy Tân, chống thuế bùng phát mạnh mẽ ở Trung Kỳ; trường
Đông Kinh nghĩa thục mở cửa tại Hà Nội truyền bá nhiều tư tưởng mới, cổ động cho
phong trào cải cách, dân chủ, duy tân lan rộng khắp cả nước… Những biến động đó
đã tác động không nhỏ đến không khí chính trị ở Huế. Trong đó, Phan Bội Châu tiêu biểu cho xu hướng bạo động, muốn
dựa vào sự giúp đỡ của nước ngoài để đánh đuổi thực dân Pháp. Phan Châu
Trinh với xu hướng cải cách ôn hòa, muốn dựa vào Pháp thực hiện cải lương, phát
động phong trào cải cách, duy tân rộng lớn ở Trung Kỳ trên nhiều mặt về kinh tế,
chính trị, văn hóa, xã hội. Mặc dù thất bại, nhưng các phong trào yêu nước, đặc
biệt là phong trào Duy Tân đã thực sự tác động mạnh mẽ đến Nguyễn Tất Thành.
Anh tham gia phong trào với tất cả nhiệt huyết yêu nước đã nung nấu bấy lâu
nay, Anh hô hào “hợp quần”, “ái quốc”, cùng với thanh niên học sinh Huế ra sức
cổ động xây dựng nếp sống mới cho nhân dân. Có thể khẳng định rằng, trong chuỗi
hành động của hành trình “dấn thân” tìm đường cứu nước, sự tham gia trực tiếp
vào phong trào Duy Tân là bước ngoặt quan trọng, đánh dấu sự chuyển biến tư tưởng,
chín muồi trong nhận thức, bộc phát qua hành động của Nguyễn Tất Thành. Sự thất
bại của phong trào này cũng cho Thành thấy rõ “đối với cuộc vận động duy tân,
không thể thực hiện được, một khi chưa đánh đuổi thực dân Pháp” [2, tr.60].
Bên cạnh
đó chí hướng cách mạng của Nguyễn Tất Thành được hình thành từ sự tham gia phong
trào chống thuế của nhân dân Thừa Thiên Huế (4/1908). Đầu thế kỷ
XX, phong trào Duy Tân được khởi xướng và bùng phát mạnh mẽ mà đỉnh cao là cuộc
nổi dậy của nhân dân kháng sưu thuế năm Mậu Thân (1908) ở Trung kỳ. Trong khoảng thời gian này, Nguyễn Tất
Thành dù mới chỉ là một cậu học sinh vừa tốt nghiệp tiểu học nhưng Anh đã “dấn
thân” vào cuộc đấu tranh cùng với đồng bào, tham gia vào phong trào một cách
tích cực trong cả thái độ lẫn hành động chống Pháp. Sau này, Trần Dân Tiên nhắc lại: “Người thiếu niên ấy đã sớm hiểu biết
và rất đau xót trước cảnh thống khổ của đồng bào. Lúc bấy giờ, anh đã có chí đuổi
thực dân Pháp, giải phóng đồng bào. Anh đã tham gia công tác bí mật, nhận công
tác liên lạc” [9, tr.12].
Tựu trung lại, sự thất bại
của các phong trào yêu nước ở Thừa Thiên Huế vào những năm cuối thế kỷ XIX đầu
thế kỷ XX đã cho Nguyễn Tất Thành thấy rõ những hạn chế về lý luận dẫn đường của
các cuộc đấu tranh theo tư tưởng yêu nước truyền thống. Thất bại đó đòi hỏi cần
phải thay đổi tư duy yêu nước, nghĩa là cần phải tìm tòi, hình thành lý luận mới
về con đường, phương pháp cứu dân cứu nước phù hợp với điều kiện lịch sử mới.
Bài học thất bại đó đã tạo điều kiện thúc đẩy sự hình thành tư duy yêu nước mới,
cho sự biến chuyển về chất từ tư duy yêu nước truyền thống sang tư duy yêu nước
hiện đại, mà Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh như là dấu gạch nối quan trọng.
4.
KẾT LUẬN
Văn hóa Huế, đặc biệt là điều kiện lịch sử - xã hội, con
người và cảnh vật, các truyền thống và giá trị văn hóa đã tác động mạnh mẽ đến
sự hình thành và phát triển nhân cách, tư tưởng yêu nước thương dân và chí hướng
sang phương Tây tìm đường cứu nước của người thanh niên ưu tú Nguyễn Tất Thành.
Chủ tịch Hồ Chí Minh thời niên thiếu trong gần 10 năm gắn bó với Huế, đã chứng
kiến cảnh nước mất nhà tan, đời sống nhân dân lầm than cơ cực dưới sự tàn bạo của
thực dân Pháp. Với lòng yêu nước nồng nàn, lòng tự tôn dân tộc và cảm thương nỗi
đau của người dân mất nước đã định hình trong tư tưởng Nguyễn Tất Thành một
khát vọng đấu tranh giành độc lập cho dân tộc, xây dựng cuộc sống ấm no, tự do,
hạnh phúc cho nhân dân.
Thực tiễn sinh động của Thừa Thiên Huế, đặc biệt là làn
sóng đấu tranh chống thực dân Pháp khi Nguyễn Tất Thành ở lứa tuổi 16 - 18
không chỉ tác động đến sự hình thành tư tưởng yêu nước của Anh mà còn cuốn hút
anh tham gia vào cuộc đấu tranh chung của dân tộc. Bằng việc tham gia tích cực
phong trào đấu tranh của nhân dân Thừa Thiên, Nguyễn Tất Thành đã thực hiện một
chuỗi hành động cách mạng cụ thể và nhờ đó Anh tích lũy được kinh nghiệm, hoàn
thiện và làm giàu thêm vốn tri thức của mình. Học giả David Helberstam hoàn
toàn có lý khi cho rằng: “Tư tưởng yêu nước của Hồ được tăng cường ở Huế”[3,
tr.1]. Hay như cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng cũng nhận định nhờ sự hòa mình trong
cái nôi của phong trào yêu nước, sự trưởng thành từ nền tảng giáo dục gia đình
và sự miệt mài học tập của bản thân, sự mẫn cảm đặc biệt, sự gần gũi với quần
chúng lao động và nhờ tác động của phong trào chống Pháp năm 1908, Nguyễn Tất
Thành bắt đầu hoạt động cách mạng.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Title: THE
INFLUENCES OF HUE’S CULTURE ON THE FORMATION OF HO CHI MINH’S PATRIOTISM
Abstract: Thua Thien Hue is one of the key areas
contributing to the formation of
personality, patriotism and desire for national liberation of Nguyen Tat Thanh.
This article focused interpret the influences of Hue’s Culture to the formation of Ho Chi Minh’s patriotism.
NGUYỄN VĂN QUANG
Khoa GDCT, Trường ĐHSP Huế
Điện thoại: 0973.882.488
Email: nguyenvanquang@dhsphue.edu.vn